| Kiến Thức | - Cá trắm đen là đối tượng nuôi thương phẩm được nhiều người ưa chuộng vì sản phẩm được thị trường đón nhận. Cá Trắm đen là loài cá nước ngọt tương đối dễ nuôi mà đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Kỹ Thuật Nuôi Cá Trắm Đen
Mặc dù vậy, lượng cá trắm thương phẩm vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Có thể là vì một vài lý do như sau: Do bà con chưa nắm vững được kỹ thuật nuôi cá trắm đen; qui mô nuôi nhỏ lẻ,..
Để có được vụ nuôi thành công thì bà con cần lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:
Chọn ao nuôi cá trắm Dọn dẹp, cải tạo ao nuôi cá Chọn giống cá và thả cá giống Cho cá ăn Chăm sóc và quản lý ao nuôi cá Thu hoạch
Để cụ thể hơn, Navifeed sẽ đi vào từng phần một để giúp bà con hiểu cặn kẻ qui trình nuôi cá trắm thương phẩm. Để có được một vụ nuôi đạt hiệu quả cao thì không thể bỏ sót bất kì một yếu tố nào được, ngược lại mỗi một yếu tố đều quan trọng và đều ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của đầu ra.
Chọn Ao Nuôi Cá Trắm
Chúng ta có thể sử dụng ao có sẵn hoặc ao mới đào để nuôi cá trắm đen. Diện tích và hình dạng ao tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình, có thể từ vài trăm m2 đến vài mẫu, nhưng tốt nhất chọn ao hình chữ nhật, có diện tích từ 1000-3000m2, độ sâu nước từ 2–2,5m. Đáy ao đất cát pha hoặc đất Sét bùn, sỏi ruồi, độ dày bùn ao 10 - 20 cm, đất đáy ao có pH = 6 - 7,5. Ao có cống cấp và thoát nước thuận tiện.
Dọn Dẹp, Cải Tạo Ao Nuôi Cá
Sau mỗi chu kỳ thu hoạch cần tát cạn hết nước, bắt sạch cá tạp, dùng vôi bột rãi đều khắp mặt đáy ao liều lượng từ 10 -12 kg/100m2, phơi nắng đáy ao từ 5 - 7 ngày nhằm tiêu diệt hết cá tạp và mầm bệnh trong ao, sau đó tháo( hoặc bơm) nước sạch vào ao qua lưới chắn ( mắt lưới 1 -2 mm ) ngăn chặn cá tạp theo vào ăn hại thức ăn, mức nước tháo vào đạt độ sâu 1,0 -1,2m.
Nguồn Nước
Bón phân gây màu nước ao nhằm cung cấp chất dinh dưỡng tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá, giảm độ phèn, giúp cho pH trong ao ít biến động. Liều lượng dùng: phân chuồng 20-30kg/100m2 (Đối với những ao có lớp mùn đáy tốt không nhất thiết cần bón phân).
Cá Trắm đen có nhu cầu về oxy cao hơn các loài cá nước ngọt khác. Nếu không đủ oxy cá chậm phát triển, dễ bị bệnh và chết. Do vậy muốn đảm bảo oxy cho cá phải quản lý môi trường nước ao nuôi luôn sạch, bề mặt ao phải thoáng. Tốt nhất mỗi 500 m2 ao nuôi nên bố trí một máy phun mưa để tăng sự khuyếch tán của oxy từ không khí vào trong nước khi cần. Mực nước trong ao luôn giữ khoảng 1,5-2m là tốt nhất. Nước trong ao phải dễ dàng thay được khi cần thiết.
Chọn Giống Cá Và Thả Cá Giống
Sau khi lấy nước vào ao 1-2 ngày để ổn định môi trường tiến hành thả cá giống, giống thả phải đảm bảo khoẻ mạnh không sây sát, vây vẩy hoàn chỉnh, sạch bệnh và màu sắc sáng bóng, đều con.
Mật độ thả: đối với giống cá cỡ 30-50g/con thả với mật độ 2con/m2, với giống cỡ lớn 200-300g/con thả với mật độ 1con/m2 (để tránh lãng phí diện tích nuôi). Khi cá lớn tùy thuộc vào điều kiện nguồn nước khả năng canh tác có thể giãn bớt mật độ nuôi.
Đối với ao nuôi cá trắm đen thhơng phẩm có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép. Nếu nuôi ghép cần lưu ý đối tượng ghép để tránh cạnh tranh thức ăn với cá trắm đen, hoặc ghép những loài có giá trị cao hoặc những loài có khả năng làm sạch môi trường ao nuôi. Một số loài cá nước ngọt có thể nuôi ghép với cá trắm như: cá chép, cá mè, cá rô đồng... Bà co n nên lưu ý mật độ thả ghép Trắm cỏ: 5%, Mè trắng: 3%, mè hoa: 2%, Chép lai: 5% (cỡ cá trắm cỏ: 0,3 -0,5 kg/con, Mè trắng: 0,1kg/con, Mè hoa: 0,3 -0,5 kg/con, Chép lai: 0,1 - 0,15kg/con).
Cách thả nuôi cá trắm: Cá cần được tắm nước muối loãng nồng độ 2% (2 kg muối/100 lít nước) hoặc kháng sinh 30 ppm trong 10 phút trước khi thả cá.
Thả cá vào thời điểm mát trong ngày. Khi thả cá cần được cân bằng nhiệt giữa bao cá và môi trường nước trong ao nuôi.
Cho Ăn
Cá thường được cho ăn 2 lần mỗi ngày với tỷ lệ cho ăn dựa tính theo % khối lượng cơ thể, có điều chỉnh theo thời tiết, tình trạng môi trường ao nuôi và tình trạng sức khoẻ cá nuôi (lượng thức ăn giảm từ 7-5-3 % trọng lượng cơ thể/ngày). Thời gian cho ăn buổi sáng vào thời điểm từ 8 - 9 giờ, buổi chiều từ 16 - 17 giờ. Riêng 02 tháng cuối trước khi thu hoạch cần cho cá ăn chủ yếu là ốc để đảm bảo chất lượng thịt cá.
Thức ăn của cá trắm có thể dùng thức ăn viên công nghiệp được mua tại các cơ sở, công ty thức ăn thủy sản uy tín và thức ăn tự nhiên hoặc phụ phẩm nông nghiệp có sẵn. Các bạn có thể tham khảo thêm về thành phần trong thức ăn thủy sản, cũng như quy trình sản suất thức ăn thủy sản của Navifeed!
Chăm Sóc Và Quản Lý Ao Nuôi Cá
Hàng ngày (hàng tuần) theo dõi, kiểm tra môi trường nước: Nhiệt độ, ôxy hoà tan trong nước, pH, sử dụng các bộ test phân tích đánh giá môi trường nuôi để kịp thời xử lý. Vào thời điểm chuyển mùa cá Trắm đen hay bị bệnh ta nên cho ăn thêm thuốc phòng bệnh có thể sử dụng thuốc Tiên đắc với liều lượng 100g thuốc dùng cho 500 kg cá/ngày cho ăn liên tục trong 3 ngày. Khi thấy cá có dấu hiệu bị bệnh dùng liều gấp 5 lần liều cho ăn phòng và cho ăn liên tục trong 5-7 ngày.
Khi nuôi cá Trắm đen thương phẩm, một số bệnh ở cá trắm đen thường gặp như:
Viêm ruột xuất huyết
Do ăn phải thức ăn kém phẩm chất sau nhiễm khuẩn gây viêm và xuất huyết ruột. Để hạn chế thiệt hại dừng ngay thức ăn nghi, thường xuyên kiểm tra thức ăn, tránh cho ăn thừa thức ăn và tránh thức ăn nhiễm nấm mốc, thức ăn có chất lượng kém. Dùng kháng sinh Enrofloxacine trộn thức ăn cho cá ăn 5 ngày liên tục với liều 30-50mg/kg cá/ngày, hoặc dùng thuốc “Fish Health” trộn thức ăn cho cá ăn 5 ngày liên tục với liều 1g/kg ca/ngày, kết hợp bổ sung vitamin C với liều 1g/kg thức ăn cho cá ăn 5-7 ngày 1 đợt.
Bệnh đốm đỏ
Cá bị bệnh giảm ăn, dừng ăn, trên thân có biểu hiện tuột vảy, xuất huyết gốc vây, xuất huyết lỗ hậu môn, cơ thể cá chuyển màu tối, cá bơi lờ đờ quanh bờ. Nguyên nhân do đánh bắt, vận chuyển để cá bị xây sát trong môi trường nước bẩn khi đó vi khuẩn gây bệnh xâm nhậm và sinh bệnh. Xử lý bệnh như bệnh Viêm ruột xuất huyết.
Bệnh ngạt do thiếu khí
Cá Trắm đen khi nuôi thương phẩm rất nhậy cảm với thay đổi thời tiết, mỗi khi thay đổi thười tiết cá thường giảm ăn sau bỏ ăn, thiếu khí và khí độc nhiều gây chết ngạt cho cá nuôi. Khi nuôi cần xử lý môi trường ao nuôi bằng các chế phẩm sinh học thường xuyên và kịp thời cung cấp ô xy và nước sạch khi cần thiết.
Thu Hoạch
Sau thời gian nuôi khoảng 8 tháng - 1 năm cá đạt kích cỡ từ 2,5-3,5kg/con thì có thể bắt đầu thu hoạch cá. Trước khi thu hoạch 2-3 ngày cho cá giảm ăn rồi dừng ăn để tránh gây shock cho cá trong khi thu hoạch, vận chuyển và lưu giữ cá. Thu hoạch cá cần đánh bắt nhẹ nhàng, nhanh tránh gây xây sát sẽ giảm giá trị. Cá thương phẩm cần được vận chuyển bằng nước sạch, mát và cung cấp đủ lượng ô xy hòa tan.