| Kiến Thức | - Mục đích chính của việc chăm sóc, quản lý ao nuôi là nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu ban đầu của một số bệnh thường gặp ở cá chép. Bên cạnh đó cũng sẽ đề ra cách chữa bệnh cho cá chép một cách hiệu quả, vì khi phát hiện bệnh càng sớm thì khả năng điều trị bệnh thành công cho cá sẽ tăng lên.
Một Số Cách Quản Lý Ao Nuôi Hiệu Quả
Cải Tạo Ao
Để cải tạo ao nuôi cá chép, đầu tiên cần tiến hành tu sửa bờ ao, kiểm tra đăng cống, phát quang bờ; Tát hoặc tháo cạn ao, dọn sạch bèo, cỏ, vét bùn (nếu lượng bùn quá nhiều), san phẳng đáy, lấp hết hang hốc ven bờ ao. Bón vôi đáy ao 8 - 10 kg vôi bột cho 100 m2. Phơi ao khoảng 3 ngày, bón lót bằng cách rải đều khắp ao 30 - 40 kg phân chuồng đã ủ kỹ và 40 - 50 kg lá xanh (lá thân mềm để làm phân xanh) cho 100 m2. Lá xanh được băm nhỏ và rải đều khắp ao. Lọc nước vào ao (qua đăng hoặc lưới đề phòng cá dữ, cá tạp tràn vào ao nuôi) khoảng 0,5 m, ngâm ao 5 - 7 ngày nước ao sẽ có màu xanh nõn chuối (màu của phù du sinh vật), khi mức nước sâu khoảng 1 m tiến hành thả cá.
Mật độ
Nếu nuôi ghép cá chép V1 trong ao với các loài cá khác (như: mè, trắm cỏ, rô hu, mrigal), mật độ cá chép V1 là 1 con/10 - 20 m2. Trong ao nuôi đơn cá chép V1, mật độ thả là 1 con/1,5 - 2 m2.
Mùa vụ thả
Với cá giống lưu từ năm trước, phải thả vào tháng 2 - 3. Cá giống sản xuất trong năm, thả vào tháng 5 - 6 hoặc tháng 10 - 11.
Thức ăn
Ao nuôi ghép
Thức ăn cho cá tùy theo cơ cấu thành phần đàn cá nuôi trong ao và năng suất đạt được. Thức ăn bổ sung bao gồm: Các chất bột ngũ cốc (cám gạo, bột ngô, bột đậu tương, bột sắn…) khoảng 70 - 80% và bột cá, bột tôm, cua, ốc, nhái, giun đất, phế thải lò mổ… 20 - 30%. Thức ăn bổ sung tự chế được trộn đều các thành phần và nấu chín, đùn viên dạng sợi hoặc nắm rải xung quanh ao cho cá ăn, ngày 2 lần sáng và chiều tối. Cho ăn khoảng 2 - 3% khối lượng cá trong ao. Bà con có thể sử dụng thức ăn thuỷ sản được sản xuất công nghiệp để tăng thêm độ đạm trong khâu phần ăn của cá.
Ao nuôi đơn
Thức ăn cung cấp cho cá chép là thức ăn tổng hợp có hàm lượng đạm tổng số khoảng 20 - 30%. Mỗi ngày, cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều lúc trời mát. Thức ăn để vào sàng ăn đặt cách đáy ao 10 - 20 cm. Cứ 300 m2 ao đặt một sàng cho cá ăn. Lượng thức ăn thay đổi theo các giai đoạn phát triển của cá, dao động 2 - 9% khối lượng cá trong ao.
Phòng Trị Bệnh
Để phòng bệnh cho cá chép, có hai yếu tố đặc biệt quan trọng mà bà con cần ghi nhớ chính là đảm bảo môi trường sống tốt nhất cũng như áp dụng chế độ ăn đầy đủ nhằm mang đến sức đề kháng cao nhất cho cá. Về môi trường sống, hàng tuần bà con nên tiến hành rắc vôi bột giúp làm sạch nước trong ao một cách tối ưu. Bên cạnh đó, bà con kết hợp sử dụng chế phẩm như EM theo định kỳ, nhằm cải thiện nước một cách hiệu quả nhất.
Với con giống, trước khi thả nuôi, cá chép giống cần được tắm qua nước muối trong khoảng 5 phút. Sau đó, bà con tiến hành thả giống trong điều kiện trời mát, nhiệt độ không quá cao cũng không quá thấp.
Bệnh đốm đỏ
– Triệu trứng bệnh: với cá chép mắc bệnh đốm đỏ, da cá thường xỉn màu, khô, có đốm đỏ trên thân. Ngoài ra, các vết loét có thể xuất hiện, cá kém ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước. Khi mổ ra, bà con sẽ thấy nội tạng cá bị xuất huyết.
– Trị bệnh: Bà con có thể sử dụng thuốc KN04-12 để trộn cho cá ăn trong thời gian 1 tuần liên tục, liều lượng 200g/100kg cá/ngày.
Bệnh thối mang
– Triệu trứng bệnh: bệnh thối mang cũng là một trong những bệnh khá phổ biến khi nuôi cá chép. Với bệnh này, cá thường tách đàn, bơi lờ đờ, da có màu đen, khi mổ ra thấy mang bị rách không còn nguyên vẹn.
– Trị bệnh: với bệnh này, bà con có thể sử dụng một số loại thuốc kháng sinh để cho cá uống như kháng sinh Erythromycine hay Oxytetracycine. Bên cạnh đó, bà con hãy sử dụng chế phẩm sinh học Nano bạc N200 để xử lý nước, giúp loại bỏ mầm bệnh hiệu quả.
Bệnh do trùng mỏ neo
– Triệu trứng bệnh: cá chép mắc bệnh này thường kém ăn, yếu, có hình mỏ neo trên da…
– Trị bệnh: Theo dân gian, bà con có thể sử dụng lá xoan thả xuống ao với khối lượng 5 – 7 kg/100m2 sẽ có thể phòng bệnh hiệu quả.
Bệnh trùng bánh xe
– Triệu trứng bệnh: cá mắc bệnh thường có dịch nhầy bám quanh thân, cá nổi lên mặt nước rồi chết.
– Trị bệnh: Bà con có thể sử dụng nước muối 2 – 3% tắm cho cá cũng như dùng chế phẩm sinh học để xử lý ao nuôi.