| Kiến Thức | - Trước đây khi mô hình nuôi lươn thương phẩm chưa phổ biến, nguồn lươn có được chủ yếu từ tự nhiên. Người dân đánh bắt trên đồng ruộng, kênh rạch, ao hồ…và bán lại cho thương lái với số lượng rất ít.
Về sau các mô hình nuôi lươn thương phẩm bắt đầu gây được sự chú ý. Người dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa lũ thường đánh bắt và thu gom các loại lươn trứng, lươn bột, lươn giống…Về nhà phối giống và lấy trứng để tiến hành chăn nuôi.
Tuy nhiên với tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp cộng với nguồn lươn tự nhiên ngày càng giảm dần do đánh bắt tận diệt và việc sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực phẩm. Làm mất thức ăn, chỗ ở của lươn nên người dân khó tiếp tục tiến hành cách lấy giống như trước.
Để giải quyết vấn đề này, các trung tâm con giống thủy sản đã tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm để cho ra đời giống lươn giống khỏe mạnh, cho năng suất cao.
Bạn Cần Chuẩn Bị Những Gì?
Thực Hiện Chọn Lươn Giống
Những con lươn giống này ra đời qua phương pháp sinh sản bán nhân tạo. Nhờ vậy mà người dân có nguồn cung giống ổn định và tin cậy để tiến hành các dự án nuôi lươn thương phẩm từ nhỏ đến to.
Chọn lươn giống bà con nên lưu ý những điểm sau:
- Lươn giống có màu vàng sẫm, mình trơn tuột, có nhớt nhưng không bịt sứt sẹo gì.
- Kích thước các con giống đồng đều, trọng lượng khoảng 50 con / 1 kg là có thể thả giống được.
- Bên cạnh đó, mật độ giống nuôi khoảng 45 con/ 1m2 là vừa phải.
Chuẩn Bị Bể Nuôi Lươn
Chuẩn bị bể nuôi vỗ: Bể hình chữ nhật (ngang: 4 m x dài: 10 - 20 m), chiều cao thành bể từ 0,8 - 1,0 m, lót bạt trong bể. Dùng đất sét xếp bên trong vòng quanh thành bể, độ dày đất 0,4 - 0,5 m. Diện tích đất chiếm 50% diện tích bể (giữa bể không cho đất). Cấp nước vào bể, khống chế độ sâu của nước khoảng 30 - 40 cm (đất cao hơn mặt nước trong bể khoảng 10 – 15 cm). Bể có ống nước cấp vào và ống nước thoát ra (bố trí ống nước cấp vào và ống nước thoát ra đối diện nhau. Mặt bể có thể thả ít lục bình.
Lươn 10 -12 tháng tuổi có thể chọn để nuôi vỗ cho sinh sản (có thể chọn lươn nuôi hay lươn tự nhiên). Chọn lươn 150 – 200 g/con, khỏe mạnh, không bị xây sát. Lươn nuôi vỗ khoảng 2 - 3 tháng trong bể lót bạt trước khi cho sinh sản.
Mật độ nuôi vỗ lươn bố mẹ: 10 con/m2 bể. Tỉ lệ đực:cái là 1:1.
Cho ăn: Cho lươn ăn 01 lần/ngày với các loại thức ăn như: trùn quế, tép, ốc, cá băm nhỏ,… hoặc thức ăn viên 35-40% đạm, lượng thức ăn khoảng 1% khối lượng thân. Theo dõi chất lượng nước của bể để thay cho phù hợp.
Ấp Trứng Lươn
- Dụng cụ ấp trứng lươn có thể là thau, khay... Nhiệt độ ấp dao động từ 28-30oC, pH 6,5-8, oxy ≥5 mg/l. Nên bố trí hệ thống sục khí trong dụng cụ ấp. Sau thời gian ấp 5 ngày, trứng bắt đầu nở và nở hết sau 2 đến 3 ngày tiếp theo.
- Lươn nở được 5 ngày thì bắt đầu cho ăn trứng nước, trùn chỉ (thức ăn chiếm 6 - 10% trọng lượng thân).
- Lươn nở sau 7 ngày cho ăn trùn chỉ.
- Sau 10 ngày thì ăn trùn quế băm nhỏ.
- Trên 15 ngày tuổi bắt đầu cho ăn thức ăn công nghiệp, một số loại thức ăn thủy sản trộn trùn quế.
Cách Ươn Lươn Bột Trở Thành Lươn Giống
Khi lươn được 25 – 30 ngày tuổi, đạt khoảng 5cm, chuyển ra bể để ương thành lươn giống. Mật độ lươn bột thả ương từ 500 – 800con/m2. Lúc này cho ăn thức ăn công nghiệp 40 - 42% đạm, khoảng 1% khối lượng thân. Thời điểm này nên cho ăn bổ sung vitamin, khoáng, men vi sinh để tăng cường sức đề kháng cho lươn con.
Chăm sóc, quản lý
Bố trí dây nilon trong bể ương để lươn trú ẩn. Dây nilon được cột lại thành bó dài 40-50 cm và bố trí chiếm 30-40% diện tích bể. Mức nước trung bình từ 7-10 cm. Định kỳ 4 tuần/lần phân cỡ lươn giống nhằm nâng cao tỷ lệ sống và hạn chế sự cạnh tranh mồi. Tạm ngưng cho ăn 01 ngày trước khi chuyển sang bể nuôi thương phẩm hay xuất bán.
Phòng bệnh
Trong giai đoạn lươn chuyển thức ăn từ trùn chỉ sang loại thức ăn công nghiệp nên bổ sung thêm khoáng, vitamin và men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng. Cần lưu ý khi thay nước không để nhiệt độ nước chênh lệch quá 3oC. Thường xuyên định kỳ tắm muối với liều lượng 2-3%. Chỉ sử dụng sát khuẩn và kháng sinh khi thật cần thiết (xuất huyết toàn thân, nấm thủy mi, xuất huyết hậu môn…)
Sau 2 - 3 tháng ương, lươn đạt cỡ từ 100 – 200 con/kg, dài 10 – 15 cm/con thì có thể xuất bán lươn giống hoặc chuyển qua nuôi thương phẩm.
Kỹ Thuật Nuôi Lươn Thương Phẩm
Cho Ăn
Lươn sống trong tự nhiên thường ăn các loại cua, ốc, cá nhỏ…Khi đưa vào nuôi trồng bạn nên kết hợp giữa thức ăn tươi sống tự nhiên và thức ăn công nghiệp theo tỷ lệ 70:30 (70 % thức ăn tươi sống, 30 % thức ăn công nghiệp). Lưu ý: Nếu cho lương ăn cá tạp thì bạn nên làm sạch ruột cá rồi xay nhuyễn hoặc cắt nhỏ, sau đó mới tiến hành cho lươn ăn. Cách làm này giúp lươn ăn được nhiều và hấp thụ tốt hơn. Đồng thời cũng phòng tránh các loại vi khuẩn ký sinh trong ruột cá truyền sang.
Để tăng sức đề kháng và sự nhanh nhẹn của lươn, trong quá trình cho ăn bạn có thể trộn men tiêu hóa, vitamin C vào thức ăn. Lưu ý là từ tháng thứ 6 đến khi thu hoạch lươn bạn giảm lượng thức ăn thủy sản xuống còn 2 – 3 % tổng trọng lượng nuôi. Thời gian cho ăn nên diễn ra vào lúc chiều mát.
Quản Lý Ao Nuôi
Lươn mới thả vào ao, hồ nuôi thường ít ăn, khoảng 3 – 4 ngày thì lươn mới bắt đầu ăn. Nên thay nước lươn 1 lần/ngày, nếu nước bẩn dễ làm lươn nhiễm bệnh. Khi cho nước mới cần cho vào nước 0,5 ml Bio For Fish hoặc Iodine trên 1 m3 nước để diệt khuẩn trong nước và thành bể (ngăn ngừa bệnh cho lươn). Nên canh mực nước trong bể nuôi, tránh trường hợp khi mưa lớn, nước dâng cao. hoặc bạt trải làm bể bị rách làm lươn thoát ra ngoài.
Chăm Sóc Lươn Đúng Cách
Lươn rất dễ nhiễm bệnh nếu môi trường sống không tốt. Bạn nên quan sát và tách ly những con bệnh để tránh lây lan sang đàn.
Khi mới thả lươn vào bể nuôi nếu bạn thấy lươn ra nhiều nhớt hơn bình thường, quằn mình, ngoi đầu lên khỏi mặt nước thì đó là biểu hiện lươn đang bị sốc môi trường. Nếu không xử lý kịp thời lươn sẽ bị xuất huyết và chết.
Ngay khi phát hiện bạn nên thay nước bể cho lươn, đồng thời tắm lươn trong nước muối 2 – 3 %. Bên cạnh đó bạn có thể trộn thức ăn với hỗn hợp Flo-Doxy với liều lượng 2cc/kg, cho ăn liên tục trong 3-4 ngày.
Sau khoảng 6 tháng, trọng lượng lươn đạt là có thể xuất bán được.
Một Số Bệnh Thường Gặp Và Cách Điều Trị
Về cơ bản thì Lươn là loài thủy sản rất khỏe, ít mắc bệnh. Nếu bạn thường xuyên thay nước trong quá trình nuôi và quản lý áo nuôi tốt thì khả năng lươn mắc bệnh là rất thấp. Tuy nhiên, nếu không may lươn mắc một số bệnh thường gặp thì bạn nên sử dụng một số loại chế phẩm sinh học, cũng như cách điều trị như bên dưới:
Bệnh sốt nóng
Do nuôi lươn với mật độ dày, lươn quấn vào nhau, các dịch nhày tiết vào trong nước, lên men, độ nhớt tăng lên làm nhiệt độ nước tăng, hàm lượng oxy giảm. Đầu lươn phồng ta, lươn chết hàng loạt. Đối với mô hình nuôi lươn trong ống nhựa hoặc dây nylon thường hay gặp trường hợp này.
Phòng trị: Nếu thấy hiện tượng này cần san thưa bể nuôi và cho nước sạch chảy tràn liên tục vào bể nuôi từ 2 – 3 giờ. Sau đó ngưng xả, đánh 1 ml Iodin + 3 ml Bio For Fish cho 1 m3 nước. Ngâm trong 3 giờ rồi xả ra, cho nước sạch vào. Sau đó dùng 7g vitamin C/1 m3 nước tạt đều vào bể để qua đêm rồi thay nước.
Bệnh lở lét
Do ký sinh trùng, vi trùng bám vào vết thương do xây sát.
Triệu chứng: Trên mình lươn xuất hiện vết tròn màu đỏ, lươn bơi lội không bình thường.
Phòng trị: Đem lươn ra bể riêng và ngâm lươn trong nước muối có nồng độ 0,5%, sau đó sát trùng toàn bể bằng Water Fresh theo liều của nhà sản xuất. Dùng 3 g Amoxilin/ 1 kg thức ăn, cho ăn liên tục 3 ngày.
Bệnh nấm thủy mi
Do ký sinh trùng gây nên, nhìn thấy có sợi hình bông bám vào mình lươn để hút chất dinh dưỡng.
Phòng trị: Ngâm lươn trong nước muối có nồng độ 5% trong 10 phút, sau đó thả lại bể. Nên dùng Bioxid For Fish sát trùng bể mỗi ngày.
Bệnh nhiễm giun (sán)
Do lươn ăn thức ăn tươi sống, nên hay nhiễm giun. Ta phải định kỳ sổ giun cho lươn 3 tuần/lần. Thuốc trị giun sán dành cho cá và liều theo nhà sản xuất.
Bệnh đỉa
Do đỉa bám vào phần đầu lươn phá hoại mô và hút máu khiến lươn bị yếu kém ăn và vi trùng xâm nhập vào gây viêm nhiễm ảnh hưởng đến sinh trưởng.
Phòng trị: Dùng dung dịch Sulphate đồng 2,5g sulphat đồng/25 kg nước ngâm rửa 5 – 10 phút.
Bệnh tuyến trùng
Do ký sinh trùng đường ruột gây ra, tuyến trùng có màu trắng, dài khoảng 1 cm, đầu bám vào niêm mạc phá hoại mô, hình thành các nang bào gây viêm ruột sưng đỏ. Nếu ký sinh trên ruột với khối lượng lớn, lươn yếu, hậu môn sưng đỏ, sẽ chết dần.
Phòng trị: có thể điều trị bằng Bio Benzol và phòng bệnh bằng Bio Green Cut với liều lượng 1 lít/1.000 m3 nước) cần diệt mầm bệnh, ấu trùng ký sinh trước khi thay nước.
Thu Hoạch
- Thời điểm thu hoạch phụ thuộc vào trọng lượng của lươn, nếu thả dày thì sau 5 – 6 tháng, cân nặng của lươn đạt 150 – 220 g/ con là có thể thu hoạch, nếu thả ít, chỉ khoảng 15 – 20 con / 1kg thì sau 2 – 3 tháng là có thể thu hoạch.
- Trước lúc thu hoạch bạn cần chuẩn bị một số dụng cụ như: vợt, sọt, rong, bèo, thùng đựng, chậu có lót bạt và phủ rong bèo để tránh nắng cho lươn khi vận chuyển đi đường.
- Thời gian thu hoạch vào sáng sớm hoặc chiều mát.
- Trước khi đưa lươn đến nơi tiêu thụ bạn rửa lớp bùn đất trên thân lươn trước, khi vận chuyển nhớ thêm nước sạch vào thùng đựng.
- Số lượng lươn trong thùng không dày quá để tránh lươn quẫy đạp lên nhau và ngạt thở chết.
- Lưu ý: Bể hoặc ao nuôi sau khi thu hoạch xong phải rút cạn nước và vớt bớt đất trong bể ra ngoài, khử trùng cho bể rồi mới nuôi tiếp đợt sau.