| Kiến Thức | - Để có được một vụ nuôi thành công, đạt hiểu quả cao về năng suất lẫn chất lượng thì cần rất nhiều yếu tố mà chúng ta cần phải giải quyết. Như chất lượng con giống, nên mua tôm giống ở đâu; cải tạo ao nuôi tôm, kế hoạch quản lý ao nuôi, phương án phòng và xử lý nhanh nếu có bệnh, các bước tiến hành thu hoạch ra sao, rồi phân phối đầu ra sản phẩm như thế nào để đảm bảo lợi nhuận tốt. Có thể nói là rất rất nhiều các yếu tố tác động đến, trong bài viết này Navifeed xin lưu ý đến bà con một vài yếu tố cần lưu ý trước khi thả tôm giống để nuôi.
Các Yếu Tố Quan Trọng Trước Lúc Thả Nuôi Tôm
Màu Nước
Nếu nước có độ trong quá cao khi đó ao nuôi tôm sẽ rất nghèo dinh dưỡng, nguồn thức ăn tự nhiên có trong ao sẽ rất thấp và không đủ cung cấp cho tôm. Những ao nuôi như vậy sẽ có độ pH thấp, chất lượng nước không ổn định, rong và tảo đáy phát triển mạnh dẫn đến việc tôm sú giống bị sốc và chậm lớn. Theo các chuyên gia, màu nước thích hợp để thả tôm sú giống là màu xanh nõn chuối hoặc màu nâu, với độ trong thích hợp từ 30-40cm.
Tỉ Lệ Chuyển Đổi Thức Ăn
Tỉ lệ chuyển đổi thức ăn FCR (Feed convertion ratio) là tỷ lệ giữa tổng lượng thức ăn cho tôm ăn và tổng trọng lượng tôm thu hoạch được trên một đơn vị diện tích. Mỗi loài tôm nuôi, mỗi loại thức ăn đều có hệ số chuyển đổi thức ăn khác nhau. FCR phụ thuộc vào các yếu tố như: Loài nuôi và chất lượng tôm giống, chất lượng thức ăn thuỷ sản và cách cho tôm ăn, chất lượng nước nuôi.
Chất lượng thức ăn: Khi thức ăn có chất lượng thấp không đủ nhu cầu dinh dưỡng sẽ làm tôm chậm lớn và do đó FCR sẽ cao. Lượng thức ăn cho ăn: khi cho tôm ăn đúng và đủ với nhu cầu sẽ giúp tôm tăng trưởng và phát triển tốt đồng thời giảm tác động ô nhiễm môi trường từ thức ăn dư thừa.
Độ Kiềm
Trên thực tế, độ kiềm là một yếu tố rất quan trọng trong việc duy trì hệ đệm sinh thái của ao nuôi, giúp môi trường nước được ổn định, giúp tôm không bị sốc trong quá trình nuôi. Thông thường, độ kiềm thích hợp trong ao nuôi tôm sú là 80-120mg/l, khi độ kiềm thấp hơn mức này sẽ khiến pH dễ biến động, tôm bị mềm vỏ, ngược lại độ kiềm quá cao sẽ khiến tôm khó lột xác.
Oxy Hoà Tan
Tôm rất cần oxy để sống và phát triển, nhất là với tôm sú giống vừa trải qua quá trình vận chuyển nên yếu và cần thời gian thích nghi với môi trường sống mới, vì thế bà con có thể thấy rõ vai trò của oxy hòa tan với tôm sú giống khi thả nuôi trong 10 ngày đầu. Nếu thiếu oxy, tôm sẽ bơi lờ đờ trên mặt nước, thậm chí dạt bờ. Do vậy, tốt nhất bà con nên chạy quạt nước trước khi thả tôm khoảng 8 giờ và tắt quạt nước trước khi thả tôm 1 giờ. Thời điểm thả tôm sú giống tốt nhất là lúc oxy hòa tan trong ao đạt tối thiểu 4mg/l.
Bón Vôi Khi Cải Tạo Ao Nuôi Tôm
Bón vôi ao nuôi tôm còn có các vai trò như:
- Nâng độ pH của nước có tính axit lên một giá trị trung tính hoặc hơi kiềm.
- Tăng dự trữ kiềm trong nước và bùn ngăn chặn sự thay đổi đột ngột của pH.
- Để thúc đẩy năng suất sinh học, vì nó tăng cường sự phân hủy các chất hữu cơ bởi vi khuẩn, tạo ra lượng ôxy và trữ lượng carbon tăng cao.
- Có thể kết tủa 1 phần chất hữu cơ bị lơ lửng trong nước.
- Giảm nhu cầu oxy sinh học (BOD).
- Tăng cường nitrat hóa do yêu cầu canxi của các sinh vật nitrat hóa.
- Trung hòa ảnh hưởng có hại của một số chất như sulfide và axit.
Ngoài ra, việc định kỳ 10kg/1000m3 nước cần bón vôi trước và sau khi mưa để hạn chế tác hại khi pH và kiềm giảm đột ngột.
Độ Mặn Và Khoáng Chất
Ngưỡng giới hạn độ mặn của tôm sú là 8-20‰, nếu vượt quá ngưỡng này tôm sẽ bị sốc và giảm khả năng kháng bệnh ở tôm. Ở những vùng có độ mặn cao (> 25‰), bà con cần chủ động bổ sung nước ngọt vào ao để có độ mặn phù hợp trước khi thả tôm sú giống. Có 2 cách bổ sung khoáng chất cho tôm: bổ sung khoáng chất thông qua môi trường nước và qua thức ăn.
Qua môi trường nước: hàm lượng khoáng bổ sung phụ thuộc 2 yếu tố 1 tỉ lệ khoáng chất, 2 độ mặn của nước. Tỉ lệ khoáng chất phù hợp cho tôm nuôi là:
Nồng độ ion khoáng trong ao có độ mặn thấp phải được tăng lên để tương ứng với nồng độ của chúng trong nước biển pha loãng cùng độ mặn. Để có được lượng khoáng chất mong muốn ở các độ mặn khác nhau, độ mặn nước (theo ppt) được nhân với các yếu tố cho từng khoáng chất.
Nước biển có độ mặn 35 ppt được coi là tiêu chuẩn.
Chú thích: Cột 1 là hàm lượng ion khoáng tiêu chuẩn ở nước có độ mặn 35ppt. Cột 2 là cấp số nhân.
Khí Độc
NH3, H2S, NO2 đều là những khí độc rất nguy hiểm đối với tôm nuôi. Chúng được xem là những “sát thủ thầm lặng” có thể khiến tôm chết hàng loạt bất cứ lúc nào mà không báo trước. Vậy nên, trước khi thả giống bà con cần đo hàm lượng khí độc trong ao nuôi và chỉ thả khi H2S < 0,001mg/l và NH3 < 0,1mg/l. Bên cạnh đó, Sục khí nhằm cung cấp đầy đủ oxy hòa tan trong ao nuôi đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển của tôm. Máy sục khí cho ao tôm cá là rất quan trọng nhất là với môi trường nuôi thâm canh và siêu thâm canh bởi công dụng của chúng không chỉ cung cấp oxy cho nước ao mà còn giúp tạo dòng chảy nhằm gom tụ chất thải vào hố xiphong.
Nhiệt Độ
Nhiệt độ thích hợp cho nuôi tôm sú là 28-32oC và chỉ thả giống khi nhiệt độ < 30oC, vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Khả năng bắt mồi của tôm sú chịu ảnh hưởng rất lớn từ nhiệt độ. Bên cạnh đó, khi nhiệt độ trong ao nuôi thay đổi đột ngột tôm sẽ bị sốc, rối loạn hô hấp, rối loạn trao đổi chất,… từ đó dễ dẫn đến nhiều bệnh cho tôm nuôi.
Vì vậy khi thả tôm giống, bà con nên thả cả bao tôm xuống nước khoảng 15-20 phút để tôm thích nghi với nhiệt độ mới, sau đó mở bao tôm ra và từ từ thả tôm giống ra ao nuôi.
Thức Ăn
Tuỳ vào hệ thống canh tác khác nhau mà bà con nông dân sẽ cung cấp cho ao tôm thức ăn phù hợp. Nhưng về cơ bản, thức ăn cho tôm cần phải đảm bảo một số tiêu chí như: hàm lượng protein, lipid, chất xơ ... và độ ẩm. Ví dụ thức ăn có 35% protein thô, 7%lipid và 2% chất xơ được thiết kế cho hệ thống siêu thâm canh còn 35%protein thô, 7%lipid và 4% chất xơ được thiết kế hệ thống thâm canh và bán thâm canh.
Trong khi nuôi, chỉ sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, cho tôm ăn đúng nhu cầu, không sử dụng thức ăn hết hạn sử dụng hoặc bị mốc; và chỉ nên mua thức ăn công nghiệp tại các cơ sở; công ty sản xuất thức ăn thuỷ sản uy tín. Hàng ngày nên kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe, hoạt động của tôm và mức độ sử dụng thức ăn để có sự điều chỉnh hợp lý.