| Kiến Thức | - Để đảm bảo chất lượng của các sản phẩm thủy sản khi đưa ra thị trường, thì tất cả các công đoạn trong quá trình nuôi trồng, sản xuất đều phải tuân thủ nghiêm các quy định đề ra. Đối với hoạt động nuôi thủy sản nói riêng để đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, cần áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật từ khâu sản xuất giống, nuôi thương phẩm, thu hoạch và chế biến sản phẩm. Để đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình nuôi bà con cần chú ý những vấn đề sau:
Những Lưu Ý Khi Chọn Mua Thức Ăn Công Nghiệp
Đối với thức ăn hỗn hợp công nghiệp: Khi mua thức ăn hỗn hợp do các Nhà máy, Công ty sản xuất thức ăn thủy sản cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ thông tin về sản phẩm như: Tên sản phẩm, Tên, địa chỉ và số điện thoại của cơ sở sản xuất, Ngày sản xuất, Hạn sử dụng, Xuất xứ hàng hoá (hàng nhập khẩu), Thành phần nguyên liệu, Thành phần dinh dưỡng, Số hiệu lô hàng, ngày sản xuất, hạn sử dụng phải rõ ràng, Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản,
Những cảnh báo (nếu có), Có đăng ký đảm bảo chất lượng ghi trên nhãn mác. Chọn những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng tốt; dinh dưỡng cao và cân đối các thành phần. Không mua thức ăn hoặc nguyên liệu đã bị nhiễm nấm mốc; thức ăn có trộn các chất cấm (chất tạo nạc, kích thích tăng trọng).
Đối Với Thức Ăn Hỗn Hợp Tự Phối Trộn
Đối với thức ăn tự phối trộn: Nguyên liệu thức ăn đem phối trộn phải đảm bảo chất lượng: Không bị ẩm mốc, sâu mọt, không bị hấp hơi, có mùi lạ và không bị vón cục. Một số nguyên liệu cần được sơ chế trước để dễ tiêu hóa như: đậu tương phải rang chín, vỏ sò, vỏ hến phải nung nóng trước khi nghiền.
Các nguyên liệu thức ăn trước khi phối trộn phải được nghiền nhỏ. Nên tận dụng các loại nguyên liệu sẵn có tại địa phương để giảm giá thành. Khi phối trộn cần tuân thủ theo công thức đã khuyến cáo cho từng loại thủy sản nhất định, theo từng giai đoạn sinh trưởng, sử dụng càng nhiều loại thức ăn càng tốt. Cần căn cứ vào số lượng nuôi và mức ăn của chúng để tính toán lượng thức ăn cần phối trộn, không phối trộn khối lượng thức ăn quá lớn sẽ giảm chất lượng do bảo quản lâu.
Trong trường hợp phải trộn thuốc vào thức ăn thủy sản, trước khi trộn cần kiểm tra đúng chủng loại thuốc, các thông tin về sản phẩm (ngày sản xuất, hạn sử dụng, liều lượng, thời gian ngừng thuốc…) và sử dụng theo hướng dẫn của Nhà sản xuất. Bao, thùng chứa thức ăn phối trộn phải giặt, rửa sạch, phơi khô nếu dùng lại bao cũ. Thức ăn khi trộn xong cần phải được đóng bao và dán nhãn cẩn thận cho từng loại vật nuôi và xếp sắp riêng từng loại.
Một Số Lưu Ý Khác Trong Nuôi Trồng Thủy Sản
Nước không bị ô nhiễm bởi các nguồn chất thải từ các trại chăn nuôi chưa qua xử lý, nước thải sinh hoạt, nước thải từ các nhà máy, khu công nghiệp, nhằm kiểm soát được các nguồn lây nhiễm do vi sinh vật hoặc hóa chất. Nước phải được kiểm soát trước khi lấy vào và thải ra môi trường.
Địa điểm và công trình nuôi phải được xây dựng ở khu vực được quy hoạch không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt. Công trình nuôi cần xây dựng đúng kỹ thuật, có cống cấp thoát nước riêng biệt và có ao lắng ao xử lý, có bờ vững chắc, không bị rò rỉ.
Thức ăn không bị nhiễm nấm mốc, không trộn các hóa chất, kháng sinh đã bị cấm. Đảm bảo theo 4 định: định lượng, định chất, định vị trí, định thời gian giúp tôm, cá hấp thụ tốt nhất dinh dưỡng trong thức ăn thủy sản.
Thức ăn phải được bảo quản nơi khô ráo, cần có các giá kê thức ăn và nguyên liệu cách mặt đất ít nhất 20cm, không được đặt trực tiếp bao thức ăn xuống nền nhà. Kho chứa thức ăn phải được vệ sinh sạch sẽ, phòng tránh chuột phá hỏng bao bì, dễ gây ẩm mốc và hỏng thức ăn.
Trong quá trình chăn nuôi cần ghi chép đầy đủ và chính xác các thông tin liên quan đến việc sử dụng thức ăn như: Mua nguyên liệu, thức ăn công nghiệp; thức ăn tự phối trộn; quá trình cung cấp cho thủy sản ăn tại ao, hồ theo khẩu phần hàng ngày; việc bổ sung thuốc vào trong thức ăn để phòng và chữa bệnh…vào sổ theo dõi sẽ giúp cho việc kiểm soát và quản lý nguồn thức ăn một cách tốt hơn.
Trước khi thu hoạch, thực hiện lấy mẫu kiểm tra dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng. Thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng tình hình dịch bệnh xảy ra tại ao nuôi và vùng lân cận.