| Kiến Thức | - Vài năm trở lại đây, phong trào nuôi cá chình trong lồng bè, hoặc ao đất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang rất phát triển. Bởi loài này cho chất lượng thịt thương phẩm rất ngon, bổ dưỡng; đầu ra ổn định, ít bệnh và dễ nuôi.
Quy Trình Kỹ Thuật Nuôi Cá Chình Thương Phẩm
Cá chình là loài cá có tính thích ứng rộng với độ mặn nên có thể sống được ở nước mặn, nước lợ, nước ngọt. Cá thích bóng tối, sợ ánh sáng nên ban ngày chui rúc trong hang, dưới đáy ao, nơi có ánh sáng yếu, tối bò ra kiếm mồi di chuyển đi nơi khác. Da và ruột cá có khả năng hô hấp nên ở nhiệt độ <15 độ C, cá có thể sống được khá lâu khi da cá ẩm ướt.
Để bắt đầu công việc nuôi cá chình thương phẩm thị người nông dân cần phải chuẩn bị một số thứ như sau:
- Chuẩn bị ao nuôi
- Giống cá chình
- Thức ăn công nghiệp
- Kế hoạch chăm sóc, quản lý ao nuôi
- Đầu ra cho sản phẩm
Chuẩn Bị Ao Nuôi
Chia thành các bể nuôi cá chình con (bể cấp 1), cá chình giống (bể cấp 2, cấp 3) và cá chình lớn. Bể nuôi có hình chữ nhật hoặc hình vuông. Bể nuôi cá chình con sâu khoảng 1 m, chình giống sâu 1,2 - 1,5 m. Đáy bể được đầm kỹ để không bị rò rỉ nước, độ nghiêng khoảng 3 - 4 độ giúp thuận lợi khi tháo nước và làm vệ sinh bể.
Đối với ao đất cần tháo khô nước, dọn sạch cỏ xung quanh bờ và đáy ao, đắp lại các chỗ bị rò rỉ, san bằng đáy ao nghiêng về cống thoát nước. Dùng vôi bột với lượng 10 - 12 kg/100 m2 rải đều xung quanh bờ và đáy ao. Bể mới: Cần tẩy rửa bằng phèn chua với nồng độ 0,1 - 0,3 kg/m3, ngâm 5 - 7 ngày; sau đó, xả hết nước, chà và rửa sạch. Bể cũ: dùng Chlorine 50 - 100 g/lít nước tạt khắp bể, sau 5 - 10 ngày thì tiến hành rửa sạch bể.
Diện tích ao nuôi trung bình 0,05 - 0,2 ha, nước sâu 1,5 - 2 m. Mức nước trung bình 1,0 – 1,2 m. Bờ ao phải cao hơn mặt nước cao nhất trong ao ít nhất là 60cm. Ao không rò rỉ, nước trong sạch, pH>6,8, ít bị ảnh hưởng của nước mưa. Ðáy ao là cát hoặc cát bùn.
Chọn Và Thả Giống
Cá giống yêu cầu khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều. Cá có nhớt nhiều, không bị trầy xước, không bị đốm trắng. Cá vận động nhanh nhẹn, không bị dị tật, dị hình. Tuyệt đối không sử dụng cá do đánh điện hoặc do câu. Nên mua từ các cơ sở giống thuỷ sản uy tín, đảm bảo nguồn cũng như chất lượng.
Cá chình không có vảy nên khi vận chuyển hay bị xây sát và thường có ký sinh trùng bám ngoài da. Vì vậy, trước khi thả, cần tiến hành khử trùng cá trong dung dịch muối ăn 1,5 - 3% (15 - 30 phút).
Thời điểm thả từ trung tuần tháng 3 đến hạ tuần tháng 4, khi nhiệt độ nước > 13 độ C. Mật độ thả tùy thuộc vào điều kiện ao nuôi, phương thức nuôi và kích thước cá giống. Tùy vào điều kiện ao, cơ sở vật chất và khả năng đầu tư của người nuôi mà thả mật độ nuôi khác nhau. Tuy nhiên, nếu muốn đạt năng suất 15 tấn/ha, thả 12-15 con/m2 (cỡ 20g/con) hoặc 9-12 con/m2 (cỡ 50g/con). Nếu muốn đạt năng suất 100 tấn/ha, thả 300-350 con/m2.
Cho Ăn
Việc chọn thức ăn thuỷ sản và cho cá ăn rất quan trọng, đây là yếu tố chính ảnh hưởng đến chất lượng đàn, cũng như tốc độ tăng trường của đàn cá. Có thể sử dụng 2 loại thức ăn là tươi và thức ăn công nghiệp. Thức ăn tươi sống là cá tạp, trai, hến... Thức ăn đảm bảo tươi, trước khi sử dụng, cần phải rửa sạch, sát trùng kỹ. Sau đó, tùy vào kích cỡ của cá mà người nuôi có thể thái nhỏ hoặc để nguyên thức ăn. Cho cá ăn theo nguyên tắc 4 định: định chất, định lượng, định thời gian, định địa điểm.
- Định chất: Thức ăn có độ đạm cao. Nếu dùng thức ăn tươi, cần phải tươi, rửa sạch, sát trùng kỹ sau đó cắt nhỏ mới đem cho ăn. Thức ăn nuôi cá chình phải có tỷ lệ đạm 45%, mỡ 3%, cellulo 1%, can xi 2,5%, phôtpho 1,3% cộng thêm muối khoáng, vi lượng, vitamin thích hợp. Nói chung tỷ lệ bột cá chiếm khoảng 70 - 75%, tinh bột 25 - 30% và một ít vi lượng, vitamin. Thức ăn tổng hợp nên lấy thức ăn động vật làm chính, thí dụ như bột cá, nhộng tằm. Cá Chình không ăn thức ăn chìm xuống dưới đáy bị ô nhiễm, do đó thức ăn tổng hợp không chìm, không bị rữa mới tốt. Nguyên liệu phụ có thể là khô dầu, các chất khoáng, vitamine, bột máu, men v.v...Có thể tìm mua thức ăn công nghiệp tại các doanh nghiệp thức ăn thuỷ sản uy tín.
- Định lượng: Thức ăn tươi mỗi ngày cho ăn 20 – 30% tổng khối lượng cá trong ao; thức ăn chế biến hoặc thức ăn công nghiệp cho ăn 3 – 4% tổng khối lượng cá trong ao. Khi nhiệt độ thấp hoặc quá nóng vào mùa hè (trên 30oC) nên giảm bớt khẩu phần. Yêu cầu thức ăn thả xuống sau 20 phút phải ăn hết.
- Định thời gian: Cho ăn vào lúc 8 – 9 giờ sáng và 4 – 5 giờ chiều.
- Định địa điểm: phải cố định vị trí đặt sàng cho ăn. Sàng cho ăn là khung hình vuông kích cỡ 90 x 50 cm căng lưới nilon, mắt lưới to nhỏ phụ thuộc vào kích cỡ cá. Nên đặt sàng ăn ở chỗ tối, kín gió.
Đề phòng cá chình bỏ ăn, có thể dùng các phương pháp sau:
- Phải che nơi cho ăn.
- Cần tăng thêm điểm cho ăn để số cá thể tản mát vẫn có thể tìm được thức ăn.
- Có thể đưa thức ăn vào lồng có kích cỡ mắt lưới khác nhau để cá to không cạnh tranh thức ăn với cá nhỏ.
Chăm Sóc Và Quản Lý
Đầu tiên bạn cần phải thực hiện việc cho ăn đúng giờ để tập thành thói quen cho cá. Khi muốn thay đổi định lượng thức ăn, cần thực hiện một cách từ từ, tránh thay đột ngột. Cá chình không thích ánh sáng nên ban ngày thường chui rút trong hang hoặc tụ vào một góc áo nuôi. Chúng thường có thói quen hoạt động nhiều vào ban đêm để đi kiếm ăn. Vì vậy bạn có thể tính toán lượng thức ăn cho cá ăn vào lúc chiều tối nhiều hơn một chút. lượng thức ăn trong ngày khoảng 10 - 20% trọng lượng cơ thể. Bên cạnh đó, dựa vào điều kiện thời tiết, môi trường để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp.
Ao nuôi năng suất 15 tấn/ha cần lắp bộ sục khí 1,5 – 2,0 kw cho 1000 m2. Căn cứ vào thời tiết cụ thể mà mỗi ngày mở máy 3 – 4 lần giúp cho ôxy phân phối đều trong các tầng nước. Trước khi cho cá ăn, nên mở sục khí đề phòng thiếu ôxy cục bộ do cá tập trung ăn tại một chỗ. Nếu có điều kiện thì nuôi bằng nước chảy. Nếu nuôi trong ao nước tĩnh, cần thay 1/10 lượng nước trong ao khi nhiệt độ cao. Nên thay nước vào lúc trời mát. Khi có mưa to hoặc nước lũ, cần ngừng cho ăn, không thay nước. Ngoài ra, khi nước trong ao vẫn đục bạn có thể sử dụng thuốc tím 1,5 ppm hoặc vôi sống 15-20 ppm để ổn định chất lượng nước.
Thu Hoạch
Sau khoảng 1 năm nuôi, khi cá đạt trọng lượng khoảng 1 - 1,5 kg/con thì tiến hành thu hoạch. Ngưng cho cá ăn trước lúc tiến hành thu hoạch 1 ngày.
Khi thu hoạch cần hạ mức nước, dồn cá vào một gốc ao để kéo lưới sau đó xả cạn nước trong ao để bắt hết số cá có trong ao nuôi. Cần giữ cá chình trong các bễ có sục khí oxy để tránh trường hợp cá bị sốc dẫn đến chết cá.
Cá chình bơi rất nhanh nên yêu cầu thao tác nhanh nhẹn nhưng nhẹ nhàng tránh cá bị xây xước hoặc tổn thương, ảnh hưởng đến chất lượng cá thương phẩm.
Lưu Ý
Trước khi bắt đầu nuôi thương phẩm cá chình, bạn cũng cần nên tìm hiểu nhu cầu của thị trường cũng như tìm kiếm các nguồn cung ứng cho đầu ra sản phẩm khi thu hoạch. Tốt nhất nên liên kết với một hoặc một vài doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản nào đó; và những cửa hàng, siêu thị để đáp ứng tốt đầu ra cho sản phẩm cá chình của bạn.