| Tin Tức | - (vasep.com.vn) Ngày 18/2/2020, VASEP đã đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT (TT21/2018) quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác với Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT).
Việc Ghi Thời Gian Khai Thác Trên Giấy SC Và CC
Hiện nay, trong nội dung nhật ký khai thác (KTKT), thuyền trưởng đã ghi thời gian khai thác đánh dấu từ ngày xuất bến đến ngày cuối cùng cập bến, ví dụ như: từ ngày 24/04/2019 - 16/05/2019. Căn cứ theo thông tin này, doanh nghiệp làm Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản (SC) và Chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (CC), BQL cảng cá và Chi cục Thủy sản cũng yêu cầu ghi thời gian khai thác là đến ngày cuối cùng cập bến theo như NKKT của tàu (Thời gian khai thác: 24/04/2019-16/05/2019). Trong khi đó biên bản bốc dỡ nguyên liệu tại cảng cũng là ngày cuối cùng tàu cập bến (16/05/2019), dẫn đến thông tin không hợp lý là ngày bốc dỡ nguyên liệu tại cảng trùng với ngày trong thời gian khai thác.
Do đó, VASEP đề nghị Tổng cục Thủy sản có quy định và hướng dẫn thống nhất cách ghi thời gian khai thác giữa các chứng từ này.
Việc Xử Lý Các Lô Hàng Có Yêu Cầu Thẩm Tra CC
Hiện nay tần suất yêu cầu thẩm tra CC từ EU rất cao. Đặc biệt thị trường tây Ban Nha là 100% lô hàng đều phải yêu cầu thẩm tra lại CC qua cơ quan thẩm quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan thẩm quyền Việt Nam chưa có bất kỳ quy định hay hướng dẫn nào cho cơ quan thẩm quyền cũng như DN để thực hiện công việc của mình khi có yêu cầu thẩm tra CC này. Do đó, VASEP đề nghị Bộ NN&PTNT có quy định hướng dẫn để thống nhất các bước thực hiện và thống nhất cả nội dung trả lời cơ quan thẩm quyền EU.
Cho Phép Cảng Cấp Lại Giấy Biên Nhận Bốc Dỡ Khi Bị Mất Hoặc Bị Hư Hỏng
Giấy biên nhận bốc dỡ nguyên liệu khai thác tại cảng hiện nay Doanh nghiệp thuỷ sản giữ 01 bản gốc. Tuy nhiên, do số lượng lưu trữ nhiều nên không tránh khỏi việc hư hỏng hoặc mất. Hiện nay Việt Nam cũng chưa có quy định cho phép cảng cấp lại cho DN giấy biên nhận này, trong khi đó nhiều loại giấy tờ có tính chất pháp lý hoặc quy định khác đều có thủ tục cấp lại này (C/O, C/H, C/C…). Vì vậy, các DN hải sản đề nghị cần thêm quy định cho phép cảng cấp lại giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản khai thác trong trường hợp bị hư hỏng hoặc mất.
Bắt Buộc Tàu Cá Cập Cảng Cá Đã Được Công Bố Chỉ Định
Hiện Bộ NN&PTNT đã ban hành 3 quyết định công bố danh sách cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Nhưng hiện tại vẫn có các tàu cá không chịu cập cảng vào cảng cá chỉ định (như cảng cá Tam Quan - Bình Định đã bị rút ra khỏi danh sách cảng cá chỉ định từ tháng 10/2019, nhưng các tàu cá vẫn cập cảng này). Điều này gây khó khăn rất nhiều cho các doanh nghiệp trong quá trình xác nhận nguyên liệu. Do đó, VASEP cho rằng, Bộ cần có biện pháp hoặc quy định cụ thể không cho phép các tàu cá cập cảng tại các cảng không có trong danh sách cảng cá chỉ định.
Sửa Đổi Biểu Mẫu Chứng Nhận Khai Thác
Tại báo cáo tóm tắt Kết quả làm việc của Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần 2 về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Đoàn thanh tra EC cho rằng, mẫu Chứng thư khai thác theo TT21/2018 của Việt Nam đã bỏ một số thông tin so với quy định tại của Châu Âu tại Quy định 1005/2008 (xóa bỏ mục số 6 và 7 trong biểu mẫu chứng nhận khai thác về chuyển tải trên biển và tại cảng).
Mục 6 trong biểu mẫu của EC là thông tin và chữ ký của thuyền trưởng. Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN việc quy định có chữ ký thuyền trưởng trên CC rất khó thực hiện hoặc không thể thực hiện bởi doanh nghiệp mua nguyên liệu, nhưng hầu hết các trường hợp là sau từ 1 - 6 tháng sau doanh nghiệp mới đem ra sản xuất và xuất khẩu. Như vậy, khi làm C/C thì doanh nghiệp biết thuyền trưởng ở đâu để xin chữ ký, có thể họ đi biển cả tháng mới về. Như vậy, việc lấy chữ ký để kịp các chứng từ cho xuất khẩu nhiều trường hợp là không thể và không khả thi.
Hơn nữa, doanh nghiệp mua nguyên liệu tại nhiều cảng cá và lấy SC tại các cảng này (ví dụ như Quy Nhơn, Hòn Rớ, Đà Nẵng...) nhưng sau đó doanh nghiệp xin Chứng nhận CC tại Chi cục Thủy sản Đà Nẵng. Như vậy, doanh nghiệp không thể lấy được cũng như lấy đủ chữ ký của các thuyền trưởng ở các tỉnh kia khi cần C/C cho xuất khẩu.
Do đó, VASEP đề nghị Tổng cục Thủy sản có văn bản trình bày, đề xuất và thống nhất với Ủy ban Châu Âu về nội dung này: (1) là chấp nhận chữ ký Thuyền trưởng vẫn có nhưng trên S/C, khi nộp C/C thì doanh nghiệp sẽ đính kèm cùng các bản copy của các S/C có chữ ký. (2) là xem xét như các nước khác đang áp dụng là chữ ký thuyền trưởng là chữ ký điện tử (có đăng ký trước, các Chi cục có thể lưu để kiểm soát) sẽ áp vào C/C khi làm C/C thay vì phải có chữ ký tươi trên C/C (dẫn đến rất nhiều hệ lụy như đã thấy thời gian qua).
Ngoài ra, VASEP cũng đề xuất chuyển Mục B của mẫu số 1 (phụ lục III) Bảng mô tả nguyên liệu sang mẫu số 2 (phụ lục III)vì phần này khi trình ký chứng nhận nguyên liệu (CC) mới kê khai chi tiết. VASEP đề nghị Tổng cục Thủy sản cục sớm có chỉ đạo xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 21 để kịp thời gửi lấy ý kiến góp ý các bên và doanh nghiệp nhằm đảm bảo Thông tư mới được ban hành đáp ứng được quy định của EC và phù hợp với điều kiện nghề cá Việt Nam.