| Hoạt Động | - Ngày 12/2/2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (COVID-19), cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát tiển kinh tế - xã hội năm 2020.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức quốc tế đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt tình trạng khi bệnh dịch kéo dài. Kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ nghiêm trọng, thiệt hại có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với dịch SARS , lên tới 160 tỷ USD.
Trong đó, một số ngành chịu tác động của dịch này như: Du lịch, thương mại, tiêu dùng, vận tải, nhất là ngành hàng không, bị tác động trực tiếp do việc hạn chế và cấm đi lại trong nội địa và giữa Trung Quốc với các quốc gia bên ngoài.
Một số chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và khu vực có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc tạm thời bị gián đoạn, bị ảnh hưởng lớn nhất là chuỗi cung ứng thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, công nghệ cao, phụ tùng ô tô.
Lĩnh vực bảo hiểm đang bị ảnh hưởng mạnh do gia tăng chi trả bồi thường thiệt hại do dịch gây ra. Giá dầu thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2019.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng của nước ta dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020.
Tại cuộc họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra một số nhóm giải pháp cụ thể, trong đó là một số giải pháp hỗ trợ, ổn định đời sống nhân dân, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn ra như:
Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch như: hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ... báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2020.
Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2020: Đánh giá tình hình thu, chi ngân sách nhà nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kiến nghị các giải pháp bảo đảm cân đối thu chi trong năm 2020; Nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch như: gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế…; miễn, giảm tiền thuê đất của nhà nước cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông lâm thủy sản, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch.
Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đơn vị liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02/2020:
- Các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; giải pháp về thủ tục, quy trình, giấy phép thông quan bảo đảm an toàn cho các lao động phục vụ công tác vận tải tại các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc.
- Các giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi lạm dụng chính sách kiểm soát dịch để gây khó dễ cho doanh nghiệp trong hoạt động thông quan hàng hóa để loại bỏ chi phí không chính thức của doanh nghiệp.
- Các giải pháp tăng cường truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác.
Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát ngay tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang thiếu hụt nhân công do lao động Trung Quốc chưa quay trở lại làm việc, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2020.
Đồng thời Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sau khi kiểm soát, dập dịch thành công, trong đó:
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản. Phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược có lợi thế cạnh tranh; thúc đẩy công nghiệp chế biến thực phẩm. Thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, công nghệ, năng lực quản trị và chuyển đổi số, đặc biệt là trong chế biến, chế tạo của khu vực doanh nghiệp Việt.
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát tổng thể các mặt hàng, sản phẩm hiện đang có mức độ phụ thuộc nhiều vào một thị trường (bao gồm cả thị trường xuất khẩu và thị trường đầu vào, nguồn cung nguyên liệu), xây dựng, triển khai phương án, lộ trình phù hợp chuyển sang thị trường và sản xuất trong nước hoặc thị trường, nguồn cung từ các đối tác khác để giảm dần phụ thuộc vào một thị trường, đối tác. Chú trọng phát triển các sản phẩm xuất khẩu mới, sản phẩm sáng tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, các mặt hàng xuất khẩu thân thiện môi trường.