Việt Nam cũng có ngành thuỷ sản phát triển lâu đời, sở hữu nhiều chủng loại thủy sản đa dạng được phân bố dựa trên sự khác biệt về đặc điểm địa lý và khí hậu, trải dài từ Bắc đến Nam. Việc phát triển ngành thủy sản theo hướng nuôi trồng đang là xu hướng chính hiện nay trên Thế Giới và cả trong tương lai, bởi vì tình trạng khai thác thủy sản hiện nay đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi thức ăn tự nhiên, gây mất cân bằng sinh thái. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần phải qui hoạch lại tổng thể và chọn ra các loài thủy sản nuôi chủ lực để đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng thủy sản khác của nhiều nước trên Thế Giới.
Ngày 13 tháng 12 năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 50/2018/QĐ-TTg qui định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của Việt Nam. Dựa theo những tiêu chí đã được ban hành trong Quyết định thì có 3 đối tượng được đưa vào danh sách đối tượng thủy sản nuôi chủ lực là:
- Tôm sú (Penaeus monodon Fabricus, 1798)
- Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931)
- Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus Sauvage, 1878)
Việc qui định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực sẽ là cơ sở để thiết lập các biện pháp quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc; mối liên hệ cung - cầu đối với các đối tượng nuôi chủ lực; cũng như các cơ chế, chính sách phù hợp đối với ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm thủy sản và chất lượng thủy sản Việt Nam.
Tôm Sú
Tôm sú là loại thủy sản thương phẩm có giá trị cao và dễ nuôi. Nhưng để tôm phát triển khỏe mạnh, đạt được sản lượng cao thì đòi hỏi người nuôi tôm sú phải nắm vững được một số kĩ năng như: đặc tính của tôm sú, điều kiện và môi trường sống của tôm sú.
Đặc Điểm Sinh Học
Tôm sú thường có màu sẫm, phần thân và bụng được viền ngang với màu đen và trắng. Phần còn lại của cơ thể màu nâu nhạt đến xanh hoặc đỏ. Tùy thuộc vào tầng nước, độ đục, thức ăn mà màu sắc cơ thể cũng có đôi chút khác biệt.
Tôm sú là động vật máu lạnh, nên chúng rất nhạy cảm với nhiệt độ thời tiết thay đổi đột ngột. Nếu quá trình thay đổi nhiệt độ môi trường sống diễn ra quá nhanh, tôm có thể chết do sốc nhiệt. Chúng có tập tính ăn và hoạt động nhiều vào ban đêm. Tôm sinh trưởng và phát triển nhờ vào quá trình lột xác. Khi trưởng thành, tôm có thể đạt kích thước chiều dài 20-30cm. Tôm cái thường lớn hơn tôm đực.
Môi Trường Sống
Tôm sú ngoài tự nhiên thường được tìm thấy ở dưới đáy các khu vực cửa sông, biển ở độ sâu khoảng <100m. Chúng có thể phát triển thuận lợi trong môi trường nhiệt độ nước khoảng 18○C - 30○C.
Đối với tôm được nuôi thì người nuôi cần phải chú ý đến độ mặn của nước trong ao nuôi tôm sú, độ pH, liên tục sục dưỡng khí Oxy, CO2, H2S để nước không bị thiếu Oxy. Ao nuôi tôm cũng cần phải lắp thiết bị mô-tơ xoay tạo dòng nước cho thông thoáng.
Thức Ăn
Tôm sú là loài ăn tạp, chúng thường ăn các loại giáp xác, côn trùng, thực vật dưới nước và một số động vật thân mền họ giun. Tùy vào mỗi giai đoạn sinh trưởng mà thức ăn của tôm cũng khác nhau.
- Giai đoạn ấu trùng: Tôm ăn tảo, luân trùng, động vật phù du.
- Giai đoạn tôm bột: Giai đoạn này tôm thường ăn các loài giáp xác nhỏ, ấu trùng, nhuyễn thể, giun,... Bắt đầu từ giai đoạn này tôm sú đã có thể ăn được thức ăn công nghiệp.
- Giai đoạn trưởng thành: Tôm có thể ăn được các động vật giáp xác, hậu ấu trùng, một số loài sống dưới đáy.
Nếu tôm sú được nuôi thì bắt đầu ở giai đoạn tôm bột trở đi người nuôi đã có thể cho ăn thức ăn thủy sản được sản xuất công nghiệp. Tùy vào kích thước tôm mà phân bổ, định lượng thức ăn cho tôm hợp lí. Nên theo dõi thường xuyên lượng thức được rãi xuống ao nuôi để biết và điều chỉnh cho vừa đủ. Tránh rãi thức ăn quá nhiều vừa gây lãng phí, vừa làm bẩn nguồn nước trong ao nuôi, dễ phát sinh các loại bệnh; ảnh hưởng đến chất lượng tôm thương phẩm.
Sinh Sản
Vào mùa sinh sản của tôm, tôm cái thường sẽ lột xác, khi đó các lớp biểu bì vẫn còn mềm. Tôm cái hạn chế di chuyển và chờ tôm đực đến giao phối. Tinh trùng của tôm đực sẽ được đưa vào và giữ lại tại túi chứa tinh của tôm cái, sau đó trứng của tôm cái sẽ bắt đầu phát triển. Trong quá trình thụ tinh tôm sú cái gần như không lột xác và không phát triển về kích thước.
Ngày nay người nuôi tôm thường không cần đến quá trình sinh sản tự nhiên của tôm. Người ta nuôi tôm thương phẩm để xuất bán, và sẽ mua tôm giống tại các công ty, trung tâm con giống thủy sản để đảm bảo chất lượng con giống tốt, đồng đều, hạn chế các bệnh liên quan đến di truyền. Từ đó có thể nâng cao năng suất khi thu hoạch.
Tôm Thẻ
Đặc Điểm Sinh Học
Về cơ bản không khác gì nhiều so với các đặc tính của tôm sú. Chúng khác nhau ở một vài chỗ như: tôm thẻ ở lưng không có sộc khác màu rõ rệt như tôm sú; tôm thẻ cũng không có 2 chiếc càng to dùng để bắt mồi và kẹp thức ăn đưa vào miệng như ở tôm sú. Kích thướng cũng là một đặc điểm khác biệt giữa 2 loại tôm này, tôm thẻ thường nhỏ hơn một chút so với tôm sú.
Môi Trường Sống
Tôm thẻ thích nghi tốt với các thủy vực đáy bùn. Chúng thường sinh sống tại các lưu vực cửa sông đổ ra biển, Vì nơi đây chưa 1 lượng sinh vật phù du, thức ăn thủy sản khổng lồ giúp tôm thẻ sinh sôi, phát triển tốt.
Đối với tôm thẻ được nuôi trong ao, hồ,.. thì người nuôi cần chú ý đến chất lượng môi trường sống của tôm nhiều hơn: nhiệt độ nước, độ mặn, độ pH, nồng độ Oxy trong nước, chất lượng nước (độ đục) cần được kiểm tra thường xuyên để tránh các dịch bệnh cho tôm vì nước bẩn. Như vậy mới có thể cho ra tôm thương phẩm có chất lượng cao.
Thức Ăn
Tôm thẻ chân trắng cũng là loài ăn tạp. Thức ăn tự nhiên, bao gồm các phiêu sinh vật (động vật và thực vật phù du), các mùn bã hữu cơ, các loại thực vật sống trong nước…
Ngoài ra người nuôi tôm cũng có thể tận dụng các loại nguyên có sẵn để chế biến thành thức ăn cho tôm như: ốc, cá tạp, phụ phẩm nông nghiệp. Cũng cần nên bổ sung thêm các loại thức ăn thủy sản được chế biến từ các nhà máy để đảm bảo đủ độ đạm cần thiết giúp tôm sinh trường, phát triển nhanh; giúp giảm thời gian và chi phí nuôi tôm.
Sinh Sản
Trong thiên nhiên, tôm trưởng thành, giao phối, sinh đẻ trong những vùng biển có độ sâu 70 mét với nhiệt độ 26-28 độ C, độ mặn khá cao (35 phần ngàn). Trứng nở ra ấu trùng và vẫn loan quanh ở khu vực sâu này. Tới giai đoạn Potlarvae, chúng bơi vào gần bờ và sinh sống ở đáy những vùng cửa sông cạn.
Sau một vài tháng, tôm con trưởng thành, chúng bơi ngược ra biển và tiếp diễn cuộc sống giao hợp, sinh sản làm chọn chu kỳ. Tôm thẻ chân trắng lớn rất nhanh trong giai đoạn đầu, mỗi tuần có thể tăng trưởng 3g với mật độ 100con/m2 không kém gì tôm sú, sau khi đã đạt được 20g tôm bắt đầu lớn chậm lại, khoảng 1g/tuần, tôm cái thường lớn nhanh hơn tôm đực.
Cũng giống với tôm sú, tôm thẻ chân trắng nuôi thương phẩm và người nuôi sẽ mua con giống tại các trung tâm con giống thủy sản nhầm đảm bảo tốt về chất lượng tôm khi thu hoạch.
Cá Tra
Là một loài cá da trơn trong họ Pangasiidae phân bố ở lưu vực sông Mê kông, có mặt ở cả bốn nước Lào, Việt Nam, Campuchia và Thái lan. Đây là loài cá đại diện cho họ cá tra và được nuôi nhiều ở Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Những năm gần đây, cá tra là loài cá nước ngọt được nuôi và xuất khẩu nhiều nhất so với các đối tượng thủy sản nước ngọt khác và phục vụ đắc lực cho ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
Đặc Điểm Sinh Học
Vây lưng của các loài cá này nằm gần đầu, thông thường cao và có hình tam giác, khoảng 5-7 tia vây và 1-2 gai. Vây hậu môn hơi dài, với 26-46 tia. Chúng thường có hai cặp râu hàm trên và một cặp râu cằm, mặc dù ở cá tra trưởng thành chỉ có các râu hàm trên. Thân hình đặc, chắc. Vây béo (mỡ) nhỏ cũng tồn tại.
Môi Trường Sống
Cá tra sống chủ yếu trong nước ngọt, có thể sống được ở vùng nước hơi lợ (nồng độ muối 7-10 o/oo), có thể chịu đựng được nước phèn với pH >5, dễ chết ở nhiệt độ thấp dưới 15 oC, nhưng chịu nóng tới 45 oC. Cá tra có số lượng hồng cầu trong máu nhiều hơn các loài cá khác. Cá có cơ quan hô hấp phụ và còn có thể hô hấp bằng bóng khí và da nên chịu đựng được môi trường nước thiếu oxy hòa tan.
Nếu là môi trường ao nuôi thì người nuôi cần phải về sinh ao nuôi thật kĩ lưỡng trước khi thả cá giống, như vậy sẽ hạn chế được một số bệnh thường mắc phải ở loài cá này. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần phải thường xuyên kiểm tra chất lượng nước để giữa môi trường sống của cá tra luôn sạch sẽ.
Thức Ăn
Cá tra thích ăn mồi tươi sống, vì vậy chúng ăn thịt lẫn nhau khi còn nhỏ và chúng vẫn tiếp tục ăn nhau nếu không được cho ăn đầy đủ. Cá bột trên sông trong dạ dày của chúng có rất nhiều phần cơ thể và mắt cá con của các loài cá khác. Dạ dày của cá phình to hình chữ U và co giãn được, ruột cá tra ngắn, không gấp khúc lên nhau mà dính vào màng treo ruột ngay dưới bóng khí và tuyến sinh dục, là đặc điểm của cá thiên về ăn thịt. Trong điều kiện thiếu thức ăn, cá có thể sử dụng các loại thức ăn bắt buộc khác như mùn bã hữu cơ, thức ăn có nguồn gốc động vật.
Trong điều kiện nuôi hồ, ao cần cho cá ăn đầy đủ để tránh việc cá tra ăn thịt đồng loại. Nhưng cũng không nên rãi thức ăn xuống quá nhiều, tránh việc cá ăn không hết lượng thức ăn được rãi xuống này sẽ gây ô nhiễm nguồn nước trong ao nuôi, dễ phát bệnh dịch.
Có thể bổ sung các loại thức ăn cá tra được sản xuất công nghiệp để tăng độ đạm cho cá, cũng như giúp chúng phát triển nhanh chóng hơn.
Sinh Sản
Trong tự nhiên, cá tra cần đến khoảng 2-3 năm tuổi thì mới đạt đủ tuổi thuần thục để sinh sản. Bộ phận sinh dục của cá tra đực và cái khi chưa đến tuổi sinh sản thì rất khó nhìn thấy. Khi đến tuổi sinh sản, buồn trứng của cá tra cái và buồng tinh của cá tra đực mới phát triển rõ rệt hơn, buồng trứng cá cái có màu vàng, còn buồng tinh của cá đực chuyển sang màu trắng đục.
Thông thường mùa sinh sản của cá tra sẽ rơi vào tầm khoảng tháng 5 -7 dương lịch. Trước khi bắt đầu giao hợp sinh sản, cá tra thường bơi lên lưu vực trung và thượng nguồn của sông để sinh sản. Sau khi đẻ trứng khoảng 24h thì trứng sẽ nở, cá bột theo dòng nước trôi về lưu vực hạ nguồn và bắt đầu sinh trưởng, phát triển tại đây.
Đối với cá tra được nuôi trong lồng bè, ao hồ thì không thể đẻ tự nhiên mà người nuôi sẽ cho chúng sinh sản nhân tạo bằng một số kĩ thuật chuyên ngành. Cũng có nhiều nơi nuôi cá tra thương phẩm, họ không để cá tra sinh sản mà chỉ chọn mua cá tra giống tại một số trung tâm con giống uy tín về nuôi rồi thu hoạch.