(Thủy sản Việt Nam) - Biển, đảo là chỗ dựa sinh kế của hàng triệu người dân ven biển, đồng thời biển nước ta có vị trí chiến lược quan trọng đối với quốc phòng an ninh. Với ngư dân, họ không chỉ là người lao động sản xuất, đánh bắt hải sản, mà họ còn là những “cột mốc sống” trên biển.
Cần có nhiều chính sách bảo vệ ngư dân trong quá trình hoạt động sản xuất trên biển
Ngư dân - cột mốc sống trên biển
Thủy sản chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng biển, đảo. Năng lực sản xuất thủy sản ngày càng phát triển, cả nước hiện có trên 110.000 tàu thuyền nghề cá, trong đó tàu khai thác xa bờ hơn 30.000 chiếc; Thủy sản trở thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa lớn và chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế; đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho hơn 5 triệu lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông, ngư dân. Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 7,8 triệu tấn, trong đó: khai thác 3,6 triệu tấn; nuôi trồng 4,2 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 9 tỷ USD.Bảo vệ chủ quyền quốc gia nói chung và biển đảo nói riêng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó ngư dân có vai trò rất quan trọng. Trong dịp về thăm bà con ngư dân miền biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”, qua đó xác định vai trò làm chủ và trách nhiệm của ngư dân với việc bảo vệ biển, đảo quốc gia. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và nhà nước ta chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong đó có ngư dân; trên các vùng biển của Tổ quốc, ngư dân là lực lượng hùng hậu, với ngư dân “tàu là nhà, biển cả là quê hương”, ra khơi không chỉ để mưu sinh mà còn thể hiện ý thức, trách nhiệm đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Phát triển kinh tế biển, đảo đã xác định: “Phát triển kinh tế biển đảo và những vấn đề liên quan đến bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của nước ta trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là một trong những nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài”, đồng thời nêu rõ: “Việc có thể làm ngay là phát triển mạnh khai thác thủy sản, hải sản với hướng ưu tiên tập trung khai thác vùng biển khơi, vừa phát triển kinh tế biển, đảo, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh trên vùng biển, trong đó chú trọng mở rộng năng lực đánh bắt xa bờ, hoàn thiện và mở rộng kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày bằng các chính sách hỗ trợ ngư dân”. Với mỗi ngư dân, vươn khơi đánh bắt hải sản là cuộc sống, là niềm tự hào được làm chủ vùng biển quê hương, tiếp nối truyền thống của cha ông để lại, các thế hệ ngư dân ngày nay luôn quyết tâm bám biển để khai thác thủy sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo.Việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách, mà điều có ý nghĩa quan trọng, cơ bản, lâu dài là phát huy được vai trò của ngư dân, tổ chức cho họ vươn khơi, bám biển thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh trên biển, sự hiện diện của ngư dân thường xuyên trên biển là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền và là lực lượng thường xuyên tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Phát huy vai trò “bà đỡ”
Hội Nghề cá Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức của Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng, chế biến tiêu thụ và hậu cần dịch vụ thủy sản; Nhằm mục đích hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế, kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa; phòng tránh thiên tai; ngăn ngừa dịch bệnh; Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường; đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên và ngư dân, góp phần đưa nghề cá cả nước phát triển theo hướng ổn định, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của những người làm nghề cá và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Mục đích lớn nhất của Hội là tập hợp các tổ chức, cá nhân thuộc ngành thủy sản, chăm lo phát triển sản xuất và bảo vệ lợi ích của hội viên và cộng đồng ngư dân; Hội là cầu nối giữa ngư dân với các cơ quan quản lý thủy sản.Trong thời gian qua, bằng các chương trình cụ thể, Hội Nghề cá Việt Nam luôn gần gũi, gắn bó với bà con ngư dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con ngư dân, kịp thời phản ánh và phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, các cơ quan Trung ương và địa phương đề xuất, kiến nghị các cơ chế chính sách và giải pháp tổ chức triển khai, đưa các cơ chế, chính sách của Đảng và nhà nước đến với hội viên và ngư dân để phát triển sản xuất thủy sản, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất và chăm lo đời sống cho bà con ngư dân, đặc biệt quan tâm đến sự ổn định và an toàn trong hoạt động sản xuất của ngư dân trên biển, kịp thời phản đối hành động của các thế lực nước ngoài xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, lên án các hành vi ngăn cản, uy hiếp, tấn công phá hoại tài sản, đe dọa tính mạng của ngư dân hoạt động trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam; kiến nghị các cơ quan chức năng có các giải pháp hỗ trợ, bảo vệ ngư dân. Đồng thời, Hội đã thường xuyên tuyên truyền hướng dẩn ngư dân các biện pháp cụ thể, thiết thực, tổ chức các tổ đội sản xuất hợp tác, liên kết hỗ trợ nhau khi sản xuất trên biển, động viên và tạo điều kiện để ngư dân tăng cường bám biển sản xuất, vừa đảm bảo nâng cao đời sống, vừa góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc phát huy vai trò của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc là phải có hệ thống các cơ chế, chính sách đồng bộ và hiệu quả. Hiện nay, tình hình trên biển Đông diễn biến rất phức tạp, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra ngày càng cao. Do vậy, để phát huy vai trò của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc đòi hỏi Đảng, nhà nước, các ngành, các cấp quan tâm hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách một cách đồng bộ và phù hợp hơn, nhất là các vấn đề về vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, đổi mới phương tiện đánh bắt và tổ chức lại sản xuất, phát triển các mô hình hợp tác liên kết sản xuất và dịch vụ đánh bắt trên biển, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và các hoạt động khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản, quan tâm công tác tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ hậu cần nghề cá, giải quyết vấn đề an sinh xã hội miền biển, có các chế độ, chính sách bảo vệ ngư dân trong quá trình hoạt động sản xuất trên biển, tạo điều kiện để ngư dân an tâm bám biển.
>> Tạo điều kiện thuân lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày là vấn đề quan trọng, là cơ sở cho việc khai thác tốt tiềm năng nguồn lợi biển, đóng góp tích cực cho phát trển kinh tế, nâng cao đời sống ngư dân, khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh quốc gia trên biển, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát của Chiến lược biển Việt Nam đến