Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhu cầu xuất khẩu cá tra năm 2017 sẽ tăng khoảng 20%, đặc biệt ở các thị trường châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông. Còn theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường cá tra năm 2017 sẽ tăng trưởng 10%, đạt kim ngạch hơn 1,7 tỷ USD.
Năm 2016, diện tích nuôi cá tra của cả nước đạt gần 5.000ha, sản lượng 1,2 triệu tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, thị trường Mỹ đạt 387 triệu USD, tăng 22,8%; thị trường Trung Quốc đạt 304,7 triệu USD, tăng 88,7%. Năm 2016 cũng chứng kiến sự thay đổi về cơ cấu tỷ trọng của các thị trường nhập khẩu cá tra từ Việt Nam, theo đó, các thị trường EU, ASEAN có chiều hướng giảm trong khi giá trị xuất khẩu tại thị trường Mỹ, Trung Quốc hay Trung Đông, Nhật Bản có dấu hiệu tăng. Đặc biệt, Trung Quốc được dự báo sẽ sớm vượt qua Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà máy chế biến cá tra hiện nay đang phải giảm công suất, chế biến cầm chừng do thiếu nguyên liệu. Hiện giá cá tra nguyên liệu mua tại ao ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) loại 1kg/con ở mức 25.500 – 26.000 đồng/kg. Mức giá này được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới do sản lượng cá cung cấp cho các nhà máy chế biến hiện chỉ đạt 40%, tương đương hơn 2.000 tấn/ngày, thiếu hụt khoảng 2.500 tấn/ngày. Ngoài ra, giá cá tra giống cũng tăng gấp 3 lần so với trước đây. Hiện giá cá giống loại 25 con/kg đã lên đến hơn 40.000 đồng/kg song cũng không cung ứng đủ cho thị trường.
Vấn Đề Quy Hoạch Và Liên Kết
ĐBSCL là vùng nuôi cá tra chính của nước ta. Trước đây, có 10 tỉnh thả nuôi cá tra, nhưng hiện nay, theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, một số địa phương đã thu hẹp hoặc không còn hoạt động nuôi cá tra nữa. Chẳng hạn, tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long giảm diện tích và sản lượng nuôi, tỉnh Kiên Giang hoàn toàn không còn nuôi, trong khi một số địa phương khác lại tăng diện tích và sản lượng. Thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra, một số địa phương nuôi cá tra chủ lực như Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp đã ban hành quy hoạch vùng nuôi, một số địa phương khác cũng bước đầu hoàn thiện công tác rà soát quy hoạch vùng nuôi, góp phần định hình bản đồ quy hoạch vùng nuôi cá tra của cả nước, giúp nâng cao công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất của chính phủ đối với hoạt động nuôi cá tra.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến cá tra cũng đã dần hình thành vùng nuôi nguyên liệu tự chủ, đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật nguyên liệu cũng như ổn định nguyên liệu đầu vào phục vụ cho chế biến xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm của các thị trường xuất khẩu khó tính, nâng cao chất lượng và giá thành của sản phẩm cá tra của Việt Nam.
Ngược lại, nông dân nuôi cá tra lại tương đối dè dặt trong việc thả nuôi cá tra. Sau những khó khăn liên tiếp từ vài năm gần đây, người nuôi cá tra rơi vào cảnh cạn kiệt nguồn lực hoặc khá thận trọng trước quyết định thả nuôi vụ mới. Do đó, dù giá nguyên liệu đang tăng cao, song nhiều người nuôi vẫn không mặn mà thả giống vụ mới do lo ngại không biết giá còn duy trì được cho đến khi thu hoạch vụ mới hay lại rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Một trong những nguyên nhân của hiện tượng trên là do khả năng liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến còn kém. Chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi chưa nhiều, chưa chặt chẽ, nhiều hộ còn gặp khó khăn trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp chế biến. Nguyên nhân đến từ cả 2 phía, doanh nghiệp và hộ nuôi. Có trường hợp doanh nghiệp không tái đầu tư cho người nuôi vụ kế tiếp, song cũng có trường hợp hộ nuôi tự ý phá hợp đồng, bán sản phẩm ra bên ngoài khi thấy được giá dẫn đến tình trạng trên.
Con giống cũng là vấn đề cần được tháo gỡ ngay nếu muốn đạt được mục tiêu đề ra cho ngành cá tra năm 2017. Hiện nay, cá tra giống đang thiếu hụt nghiêm trọng tại ĐBSCL. Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng thừa nhận tình hình thiếu hụt cá tra giống là có thật. Nguyên nhân do giá cá tra giống sụt giảm mạnh vào cuối năm 2016 đã khiến nhiều trại ương đồng loạt ngừng sản xuất, chờ giá tăng, khiến sản lượng cá giống sụt giảm đột ngột. Đến khi giá cá tăng trở lại thì sản xuất không kịp cung ứng cho thị trường. Cộng thêm những diễn biến không thuận lợi của thời tiết trong những tháng đầu năm 2017 lại càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất cá giống.
Cùng với đó, các nhà khoa học cũng chỉ ra vấn đề tồn tại hiện nay của các cơ sở ương nuôi cá tra giống, đó là tỷ lệ sống trong quá trình ương nuôi cá tra giống đang giảm. Hiện sản lượng cá tra bột toàn vùng ĐBSCL đã tăng vọt từ gần 500 triệu con vào năm 2000 lên hơn 30 tỉ cá tra bột, trong khi đó sản lượng cá tra giống hiện nay chỉ hơn 2 tỉ con. Điều này cho thấy sản lượng cá bột tăng nhưng cá giống không tăng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là do mật độ ương quá cao nên thức ăn tự nhiên ban đầu cho cá bột không đủ, môi trường ao ương không đảm bảo.
Tháo Gỡ Khó Khăn
Có thể nói tình hình quy hoạch nuôi chắc chắn sẽ được cải thiện sau khi các địa phương hoàn thành quy hoạch vùng nuôi, từ đó chấn chỉnh dần hoạt động thả nuôi của người dân, không để tái diễn hiện tượng tự phát, mạnh ai nấy làm như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn cần phải tăng cường hơn nữa liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp và người nuôi hợp tác hiệu quả, bền vững để đạt mục tiêu cùng có lợi.
Đối với vấn đề con giống và vật tư, cơ quan quản lý nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống cá tra mở rộng quy mô, giúp các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật để nâng cao chất lượng con giống, kiểm tra, kiểm soát chất lượng con giống chặt chẽ hơn. Cần phải hoàn thiện quy trình kỹ thuật ương giống, nâng cao năng lực quản lý, cần có sự hỗ trợ tích cực từ ngành chức năng và sự liên kết giữa nông dân và nhà khoa học. Các nhà cung cấp thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản cũng cần liên kết chặt hơn với doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá để phân phối lợi nhuận hợp lý và chia sẻ rủi ro trong chuỗi sản xuất.
Về thị trường tiêu thụ, hiện nay Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho mặt hàng cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc được dự báo sẽ sớm vượt qua Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Theo nhận định của Hiệp hội Cá tra, tuy đang có mức tăng trưởng khá cao, song Trung Quốc vẫn luôn được đánh giá là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Không chỉ rủi ro trong hoạt động mua bán, thị trường Trung Quốc cũng ngày càng khó tính về chất lượng sản phẩm. Hiện thị trường Trung Quốc đã bắt đầu xiết chặt các quy định về quản lý chất lượng cá tra nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp cũng cần chú ý điều này.
Cần đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm cá tra xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm chế biến và sản phẩm giá trị gia tăng cao. Theo nhận định của ngành hải quan, cá tra năm 2016 xuất khẩu với 35 loại sản phẩm. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là cá tra đông lạnh, chiếm đến 99,2% kim ngạch; còn lại tỷ lệ quá nhỏ cá tra chế biến (cá tra tẩm gia vị, cá tra tẩm bột, cá tra cuộn hoa hồng và cá tra xiên que…). Một nghiên cứu của các chuyên gia ở Khoa Công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Nông lâm TPHCM) cho biết, thịt phi lê chỉ chiếm khoảng 36% trọng lượng con cá. Còn lại 64% trọng lượng con cá thường được gọi là phụ phẩm, thậm chí là phế phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chưa được quan tâm chế biến thành sản phẩm có chất lượng. Với sản lượng cá tra một năm trên 1 triệu tấn, tiềm năng chưa được khai thác còn rất lớn.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp chế biến cần đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm theo hướng bền vững, gia tăng giá trị cho các sản phẩm chế biến. Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp cũng cần tự nhận thức tầm quan trọng của việc cải tiến công nghệ nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển trong bối cảnh hiện nay.