9 tháng đầu năm, thị trường thuỷ sản nhập khẩu vào Việt Nam tăng 21,5% so với cùng kỳ 2017. Ở một số siêu thị tại TP HCM, các loại cá Na Uy, Anh... được bán, giá dao động 40.000 đến 600.000 đồng/kg.
600.000 đồng/kg phi-lê cá hồi ngoại
Tại TP HCM, khảo sát tại các chuỗi siêu thị như Lotte Mart, CoopMart, BigC, Aeon Mall hay Auchan... cho thấy cá hồi Na Uy được bày bán phổ biến nhất dưới dạng phi-lê, lườn vây hoặc đầu. Theo các biển quảng cáo được để tại các siêu thị, cá hồi đều được nhập khẩu về Việt Nam bằng đường hàng không từ Na Uy, hay thậm chí là từ Anh như tại CoopMart.
Đơn giá cho mặt hàng phi-lê cá hồi dao động từ 480.000 đồng/kg đến gần 600.000 đồng/kg, và giá nguyên con vào khoảng 470.000 đồng/kg. Đầu cá hồi được bán với giá rẻ hơn, dao động trong khoảng 40.000 - 60.000 đồng/kg.
Tại chuỗi siêu thị CoopMart, người tiêu dùng có thể tìm thấy sản phẩm cá nục hoa nguyên con có xuất xứ Nhật Bản được bán với giá gần 62.000 đồng/kg. Một loại thủy sản ngoại khác là cá Sanma được siêu thị nhập khẩu từ Nhật Bản và Đài Loan.
Phi-lê cá hồi được bày bán tại Lotte Mart. Ảnh: Phan Vũ.
Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu hơn 5 tỷ USD hàng thủy sản, chủ yếu nhờ một số mặt hàng như cá tra, tôm gặp thuận lợi ở thị trường Mỹ và giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu thủy sản tăng mạnh trong tháng 5 và tháng 6, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc trở nên gay gắt, đặc biệt khi hai quốc gia này "ra đòn" thuế đầu tiên đối với hàng hóa của đối phương vào ngày 15/6. Tuy nhiên, nhập khẩu hàng thủy sản vào Việt Nam có chiều hướng giảm dần từ tháng 7.
Nhìn chung, nhập khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm nay vẫn tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt hơn 1,26 tỷ USD. Thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam trong phần lớn 9 tháng đầu năm đều cao hơn cùng kỳ năm 2017.
Quầy bán mặt hàng cá hồi được nhập khẩu từ Na Uy tại Aeon Mall. Ảnh: Phan Vũ.
Nhập khẩu thuỷ sản của Ấn Độ nhiều nhất
Ngoại trừ thị trường các nước Asean thì Ấn Độ hiện là nhà cung cấp thủy sản lớn nhất cho Việt Nam, với hơn 271 triệu USD và chiếm 21,5% tổng nhập khẩu mặt hàng này.Về hàng hoá, tôm sú vẫn là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất vào Việt Nam nhằm phục vụ cho công đoạn chế biến và tái xuất.
Đứng thứ hai là Na Uy với tổng giá trị hàng thủy sản nhập khẩu đạt hơn 130 triệu USD, tương đương thị phần 10,3%. Trong đó, cá hồi là mặt hàng nhập khẩu chính.
Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản là ba cái tên còn lại trong danh sách 5 nhà cung cấp thủy sản lớn nhất cho Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay, với thị phần trên 6%.
Trong khi đó, Mỹ vươn lên là nguồn cung thủy sản lớn thứ 10 của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay, với tổng giá trị nhập khẩu tăng 53,6% so với cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 41,3 triệu USD. Theo đó, thị phần của thủy sản Mỹ tại Việt Nam tăng lên 3,3% từ mức 2,3% của cùng kỳ năm ngoái. Con giống, đặc biệt là tôm bố mẹ, là một trong những mặt hàng thủy sản chính được nhập từ Mỹ về Việt Nam.
Vì sao tăng mạnh?
Một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam phải tăng nhập khẩu thủy sản trong năm 2018 là doanh nghiệp trong nước không chủ động được nguồn cung con giống. Với ngành tôm, hiện tại, đã có một số doanh nghiệp sản xuất được tôm giống. Tuy nhiên, lượng cung không đủ để đáp ứng nhu cầu và Việt Nam vẫn phải nhập tôm giống từ Mỹ, Singapore và Thái Lan.
Thủy sản ngoại nhập vào Việt Nam tăng mạnh cũng do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, đặc biệt là khi Bắc Kinh tuyên bố áp thuế 25% đối với hơn 600 mặt hàng của Mỹ vào giữa tháng 6. Ngành thủy sản Mỹ bị giáng đòn nặng nề khi có 170 sản phẩm thủy sản nằm trong danh sách bị áp thuế. Các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải tìm thị trường tiêu thụ thay thế Trung Quốc để tránh bị ứ hàng.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết các doanh nghiệp trong nước sẽ có thể gặp khó khăn khi cạnh tranh trên chính thị trường nội địa.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn, cũng chia sẻ, thị trường nội địa mang lại mức lợi nhuận thấp hơn xuất khẩu, nhưng lại tiêu thụ 13 - 14% các sản phẩm chế biến của công ty. Điều này chứng tỏ Việt Nam cũng có nhu cầu lớn về các mặt hàng thủy sản.
Khoảng giữa tháng 9, VASEP từng gửi Công văn lên Chính phủ kiến nghị làm rõ thủ tục để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thủy sản đưa hàng vào siêu thị phục vụ cho dịp Tết sắp tới.
Hiệp hội cho biết, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang tích cực hợp tác với các chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị để thúc đẩy kinh doanh sản phẩm thủy sản tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp một bất cập ảnh hưởng không nhỏ tới việc tăng cường tiêu thụ sản phẩm thủy sản tại các kênh bán lẻ, cụ thể là quy định về Giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu của các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong sản phẩm thực phẩm.
Tháng 9 chính là khoảng thời gian quan trọng để các doanh nghiệp chế biến thủy sản chốt các hợp đồng, đơn hàng với các hệ thống siêu thị để phục vụ Tết. Tuy nhiên, do cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý, hệ thống siêu thị và các nhà cung cấp về quy định trên nên nhiều mặt hàng thủy sản đang gặp khó để bước vào kênh phân phối nội địa này.