Hỏi: Ao nuôi cá rộng 400m2, có hiện tượng nhiều tảo xanh li ti, không thể vớt lên được. Đã bón vôi nhưng vẫn không thấy hiệu quả. Cách khắc phục tình trạng này và nên bón vôi khử trùng với liều lượng là bao nhiêu trên 1 mét vuông?
Đáp: Đối với tảo lam đã phát triển quá mức, chỉ sử dụng biện pháp bón vôi thì không giải quyết được vấn đề. Nguồn gốc của tảo lam sinh trưởng và phát triển trong ao nuôi trồng thủy sản đa phần do hiện tượng dư thừa quá nhiều chất dinh dưỡng. Tảo lam có thể nổi từng váng dầy, dính như keo sơn và có mùi hắc rất khó chịu. Khi tảo chết và tan ra sẽ gây ra hiện tượng thối nước và ô nhiễm ao, tốn thêm nhiều chi phí để cải tạo lại ao hồ
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải xem xét những vấn đề như sau:
- Kiểm tra lại thức ăn thủy sản cho cá được đưa xuống
- Khối lượng thức ăn và khối lượng cá nuôi trong ao phải đảm bảo được tính hợp lý về tỷ lệ
- Tránh dư thừa thức ăn làm dư thừa chất hữu cơ tạo cơ hội tảo phát triển, mất cân bằng tự nhiên
- Tăng cường sử dụng quạt khí để tăng Oxi hòa tan trong ao trong khoảng thời gian nửa đêm để cá không bị sốc do thiếu Oxi
- Dừng việc bón phân hữu cơ xuống ao (nếu nuôi vịt hoặc bón phân xuống ao)
- Thay nước bằng cách rút nước bên dưới đáy và bổ sung thêm nước mới ở tầng mặt trên. Thay nước 20 – 40% thay liên tục trong vòng 2 – 3 ngày để làm giảm ô nhiễm hữu cơ trong ao nuôi.
- Sử dụng hóa chất chuyên trị tảo 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày
- Khi tảo chết sẽ gây ra ô nhiễm đáy ao, lúc này chúng ta sẽ bón Yucca, EM hoặc Zaobacilus để phân hủy xác tảo dưới đáy ao
- Cho cá ăn thêm Vitamin C, bột tỏi và men tiêu hóa để chống sốc và tăng sức đề kháng
- Đối với Vitamin C, cho cá ăn khoảng 2 – 3 g / 100 kg cá / ngày, ăn liên tục trong 7 ngày
- Đối với bột tỏi, cho cá ăn khoảng 100 – 150 g / 100kg cá / ngày, ăn liên tục trong 10 ngày. Tỏi xay nhỏ, tẩm với thức ăn thủy sản, trộn bên ngoài với dầu gan mực để tránh việc tỏi bị tan trong nước. Có thể kết hợp thêm với men tiêu hóa để cá sinh trưởng tốt hơn
Hiện nay, ngoài việc áp dụng những qui trình nuôi, kĩ thuật nuôi tiên tiến ra thì người nuôi cũng cần phải học hỏi thêm những kiến thức khác trong nuôi trồng thủy sản. Để luôn chủ động hơn trong việc phòng tránh các dịch bệnh đối với thủy sản.
PHÂN BIỆT CÁC LOẠI TẢO
không phải loại tảo nào cũng là tảo có hại, bên cạnh một số tảo có hại, vẫn có các loại tảo tốt cho hồ nuôi như tảo lục, tảo khuê… và các loại tảo dinh dưỡng khác
TẢO TỐT CHO HỒ NUÔI
- Tảo Lục: Có màu xanh đọt chuối non, không độc, có kích thước nhỏ, có khả năng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Vibrio. Tuy nhiên tảo lục dễ tàn khiến gây ra dịch bệnh
- Tảo khuê: Còn tên gọi khác là tảo silic, thường di chuyển chậm, có giá trị dinh dưỡng cao, có thể làm thức ăn thủy sản ổn định trong quá trình nuôi. Khi tảo khuê sinh trưởng, màu nước trong ao nuôi sẽ chuyển qua màu trà
TẢO HẠI CHO HỒ NUÔI
- Tảo Lam: Có màu xanh lam, kéo váng trên mặt nước, không di chuyển, tiết ra chất độc, gây hiện tượng nở hoa trong nước. Nếu quan sát bằng mắt thường có thể thấy chúng có màu xanh đậm, nổi váng trên mặt nước. Xuất hiện nhiều ở phía cuối gió, có sức sống và phát triển mạnh ở các tháng nóng trong năm, đỉnh điểm là tháng 5.
- Tảo mắt: Tảo mắt xuất hiện khi đáy ao bị nhiễm bẩn, thức ăn thủy sản dư thừa nhiều. Loại tảo này có màu xanh khi còn non, khi già có màu đỏ bầm, kích thước nhỏ, di chuyển nhanh. Khi tảo mắt phát triển nhanh thì nước sẽ có màu xanh rau má hoặc nâu đen. Gây ra nhiều bệnh khác nhau cho động vật thủy sản
- Tảo giáp: Xuất hiện do nguồn nước được cấp từ bên ngoài trong quá trình nuôi và hiện tượng mất cân bằng khoáng đa vi lượng. Một số trường hợp cũng xuất hiện tảo giáp khi đáy ao quá bẩn. Tảo giáp thường có màu đỏ, kích thước lớn, di chuyển nhanh. Tảo giáp ở mật độ cao sẽ có màu nâu đỏ. Dễ gây ra bệnh đường ruột ở tôm
Chúc người nuôi áp dụng thành công!