Đặc Điểm Chung
Sinh Học
Cá Tra nuôi thuộc nhóm cá da trơn nước ngọt. Tên khoa học là Pangasius hypophthalmus, thuộc giới Animalia, ngành Chordata, lớp Actinopterygii, họ Pangasiidae. Cá tra được tìm thấy nhiều tại các lưu vực sông, cửa sông, vùng nước lợ ở các nước đông nam Á.
Hình Dạng
Thân hình thon, dài, không có vảy. Đầu tương đối nhỏ, miệng rộng với những chiếc răng sắc nhọn nằm trên xương hàm và có 2 đôi râu dài. Có vây màu xám đen hoặc đen, vây lưng có 6 tia và phân nhánh. Vây hậu môn hơi dài khoảng 26-46 tia. Cá con có sọc đen dọc theo đường bên và một sọc đen dài khác bên dưới đường bên; cá tra trưởng thành có màu xám đồng nhất nhưng đôi khi có tông màu xanh lục và hai bên màu bạc. Sọc đen ở giữa vây hậu môn; sọc tối ở mỗi thùy đuôi. Bụng cá thường có màu bạc.
Môi Trường Sống
Tự Nhiên
Được tìm thấy nhiều ở sông Mê Kông, sông Chaopraya và có thể là lưu vực sông Mê Kông ở Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Thái Lan và Việt Nam, cùng với lưu vực Ayeyawady của Myanmar. Loài này có nhiều tên tiếng Anh phổ biến bao gồm cá da trơn Sutchi, cá da trơn ánh kim và cá da trơn sọc. Nó được gọi là 'Pa sooai' và 'Pa sooai khaeo' trong tiếng Lào, 'Pla Sawai' trong tiếng Thái, 'Pra' và 'Trey khen' trong tiếng Khmer và 'Cá Tra' trong tiếng Việt.
Cá tra có cơ quan hô hấp nên có thể thể sống được ở những khu vực ao, hồ chật hẹp, nước thiếu Oxy. Ngoài ra chúng còn có thể chịu đựng được môi trường nước phèn với pH >5, dễ chết ở nhiệt độ thấp dưới 15○C, nhưng lại chịu nóng tới 45○C.
Nuôi Thả
Ngày nay, việc nuôi cá tra được thực hiện trong lồng bè, ao, hồ cá tra có thể phát triển bình thường dưới mật độ nuôi dầy đặc. Cũng chính vì được nuôi với mật độ cao nên nước trong ao nuôi, hồ phải được thay thường xuyên để tránh bị ô nhiễm do chất thải của cá. Ao nuôi cá tra thường được người nuôi dẫn nước từ hệ thống kênh, rạch vào nên hàng ngày nước lên xuống sẽ tự động làm sạch nước trong ao nuôi. Nhưng người nuôi cũng cần phải thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước như: độ mặn, độ pH,.... để có thể điểu chỉnh.
Thức Ăn
Tự Nhiên
Cá tra là loài ăn tạp, trong môi trường tự nhiên chúng thường ăn các loại thức ăn thiên về động vật như: một số loài cá nhỏ, nhuyễn thể, côn trùng. Nhưng trong điều kiện thiếu hụt nguồn thức ăn động vật thì ca tra cũng có thể chuyển đổi loại thức ăn thành các loại: tảo, thực vật thủy sinh, sinh vật phù du, hoặc là mùn bã hữu cơ, rễ thực vật. Ngay khi hết noãn hoàng, cá tra bắt đầu ăn mồi tươi sống, vì vậy chúng ăn thịt lẫn nhau khi còn là cá bột.
Nuôi Thả
Có thể cho cá tra ăn một số loại thức ăn thừa, có sẵn như các loại nguyên liệu thực vật. Hoặc cho ăn bằng thức ăn cá tra dạng hột được sản xuất công nghiệp. Lưu ý cần cho cá ăn đầy đủ, đúng định lượng mỗi ngày, tránh việc thiếu thức ăn vì cá tra có tính ăn tạp, có thể ăn thịt lẫn nhau. Nhưng cũng không nên rãi thức ăn quá nhiều xuống ao nuôi vì dễ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước trong ao do lượng thức ăn thừa gây ra
Sinh Sản
Tự Nhiên
Ngoài tự nhiên, cá tra cần ít nhất 3-4 năm mới đến tuổi thuần thục và bắt đầu sinh sản được. Khi đến mùa sinh sản, chúng thường có tập tính bơi ngược dòng di cư tìm đến các khu vực bãi đẻ, nơi có điều kiện sinh thái phù hợp giúp cho tuyến sinh dục của cá phát triển tốt. Vì vậy khi đến mùa sinh sản chúng thường sẽ di chuyển lên khu vực sông Mê Kông ở Campuchia để đẻ trứng. Cá bố mẹ thường tìm những vật cản như rễ cây để đẻ trứng vào và thụ tinh để trứng dính vào và không bị trôi. Trứng cá tra sau khi sinh khoảng 24h sẽ nở, cá bột sẽ theo dòng nước bơi ra khu vực cửa biển và tiếp tục vòng đời tại đây.
Nuôi Thả
Hiện nay, đa phần người ta nuôi cá tra thương phẩm là chủ yếu nên gần như người nuôi không cần đợi đến giai đoạn chúng thuần thục để sinh sản. Họ sẽ chọn, mua cá tra giống tại các trung tâm ương cá giống về thả nuôi. Làm như vậy có thể đảm bảo được chất lượng con giống tốt, đồng đều, không mắc một số bệnh do di truyền và lại có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc cá.
Cá bố mẹ sẽ được chích thuốc kích thích sinh sản, và được người ta ép trứng ra khỏi buồng trứng của cá tra cái. Sau đó họ bóp, ép tinh trùng của cá tra đực lên trứng để thụ tinh. Trứng sẽ được ương trong môi trường nhân tạo và được theo dõi thường xuyên, nhờ những kĩ thuật nuôi trồng, gây giống tiên tiến nên sẽ đảm bảo được tỉ lệ nở thành cá bột cao hơn rất nhiều so với thu tinh trong tự nhiên.
Thông Tin Khác
Nguồn Thức Ăn
Từ những thập niên trước, hầu hết các nhà sản xuất nuôi cá tra Việt Nam đã sử dụng thức ăn làm từ nông trại được chế biến từ nhiều nguyên liệu khác nhau; bao gồm cá tạp, cám gạo, bột đậu nành, bột máu, gạo vỡ, bột hạt bông, sữa, trứng và rau quả (ví dụ rau bina và rau xanh đậu Hà Lan), bổ sung vitamin C và E trộn sẵn. Các thành phần được trộn với nhau, nấu chín thành sợi mì hoặc viên và cho ăn.
Từ năm 2008, trước lo ngại về vấn đề ăn toàn thực phẩm dư lượng thuốc kháng sinh có trong các nguyên liệu thưc vật khác nhau nên các nhà sản xuất thức ăn thủy sản nói chung và thức ăn cá tra nói riêng đã bắt đầu chuẩn hóa các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn thủy sản được an toàn hơn và cũng để giảm chi phí nuôi cá tra.
Thu Hoạch
Thu hoạch cá tra từ ao bằng lưới, sau khi thoát nước và bơm trọng lực thủy triều một phần. Thu hoạch bằng cách nâng lưới lồng bằng tay. Việc thu hoạch toàn bộ ao thường được tiến hành lúc nước xuống vì như vậy sẽ dễ tháo nước trong ao hơn.
Cá thu hoạch thường sẽ được chuyển đến các nhà máy chế biến sống và đông lạnh để bảo quan thịt cá được tươi ngon. Tại đây người ta sẽ lóc phần phi lê cá, còn lại da cá sẽ chuyển đến một số cơ sở, quán ăn để dùng làm các nguyên liệu chế biến một vài món ăn như da cá tra chiên giòn cũng rất ngon. Còn phần xương và đầu cá sẽ được các cơ sở chết biến thức ăn gia súc thu lại để nghiền làm thức ăn viên.