Tình Hình Cá Tra
Cá tra Việt Nam đang gặp khó khăn tại thị trường châu Âu, đi với đó là giá trị xuất khẩu giảm. Song những người trong ngành cho rằng đây chính là cơ hội để ngành cá tra xây dựng lại hình ảnh bằng việc sản xuất theo hướng bền vững, giảm chi phí và gắn với thị trường.
Nhận định trên được ghi nhận tại buổi lễ tổng kết dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA) diễn ra tại TPHCM ngày 29-3.
Theo các chuyên gia, châu Âu là một thị trường khó tính, nơi đòi hỏi những tiêu chí khắt khe về môi trường theo hướng phát triển bền vững trong các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày như thủy sản. Đó là lý do thời gian qua xuất khẩu cá tra sang thị trường này liên tiếp giảm, ít nhiều do những thông tin tiêu cực về sản xuất cá tra ở Việt Nam được các phương tiện truyền thông châu Âu đưa tin.
Vì thế, cá tra Việt Nam muốn khôi phục thị trường châu Âu không còn cách nào khác là đi theo hướng nuôi trồng, khai thác các nguồn tài nguyên có liên quan như nước, điện... theo hướng bền vững.
Dự Án Cá Tra
Ông Lê Xuân Thịnh, điều phối viên dự án SUPA, cho biết thách thức lớn nhất trong chuỗi sản xuất cá tra hiện nay là chi phí thức ăn cao, tỷ lệ cá sống thấp, khâu tiêu thụ năng lượng và nguồn nước cao. Sản phẩm chủ yếu là phile, nhiều đơn vị trung gian khiến chi phí giá thành cao, và có quá nhiều chứng nhận khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Bên cạnh đó, những thông tin sai lệch cũng khiến cho con cá tra gặp khó khi xuất khẩu. Vì thế, dự án tập trung vào những vấn đề bất cập này.
Kết quả, dự án đã giúp doanh nghiệp tạo ra được 20 sản phẩm mới chủ yếu từ các phụ phẩm cá tra, qua đó giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, dự án cũng giúp những doanh nghiệp giảm được 18-20% điện năng, giảm 26-30% lượng nước sử dụng, qua đó cắt giảm 2-5 tỉ đồng chi phí sản xuất cho mỗi nhà máy chế biến thủy sản.
Đây cũng là lý do để ông Hoàng Thành, đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, đưa ra nhận xét rằng, dự án SUPA được EU đánh giá là một trong những dự án toàn diện, tạo được một chu trình sản xuất, tiêu thụ, thị trường theo hướng bền vững.
Theo ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thời gian qua có những lúc giá cá tra bấp bênh một phần là do ngành cá tra phát triển chưa bền vững. Vì thế, Việt Nam đang có kế hoạch tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất bền vững, giảm chi phí sản xuất, gắn với thị trường thay vì chỉ tập trung vào sản xuất.
Và để tái cơ cấu ngành cá tra, Tổng cục Thủy sản có nhiều dự án giúp doanh nghiệp phát triển giá trị gia tăng, mở rộng thị trường. Một trong những yếu tố thiếu bền vững của chuỗi cung ứng cá tra là sản phẩm chủ yếu là phile, với mẫu mã đơn điệu và giá trị gia tăng không cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định 655/QĐ-BNN-TCTS, theo đó sẽ chi ra gần 165 tỉ đồng để tái cơ cấu ngành thủy sản, trong đó có cá tra trong giai đoạn 2017-2020.
Dự án SUPA được EU hỗ trợ thông qua chương trình EU SWITCH-Asia trong thời gian bốn năm, từ tháng 4-2013 đến tháng 3-2017 cho các đơn vị sản xuất và chế biến cá tra tại ĐBSCL.
Bốn tổ chức tham gia vào vào dự án SUPA là Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng hai đối tác là WWF Việt Nam và WWF Áo. Mục đích của dự án là giúp ngành cá tra Việt Nam sản xuất bền vững, gắn với tiêu chuẩn, nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường các nước châu Âu.